Sau thời gian nở rộ các nền tảng cho vay trực tuyến lãi suất cao, Trung Quốc đã có những biện pháp cứng rắn để kiểm soát hệ thống này.

42 1 Trung Quoc Khon Don Vi App Cho Vay Lai Cao

Vay tiền qua app trực tuyến từng khá dễ dàng tại Trung Quốc Ảnh: EARNIN

Tuy nhiên, nhiều người trẻ nước này lại đang phải vật lộn với các khoản nợ ngày càng chồng chất, khó trả hết.

Xiết chặt các app tín dụng

Giới chức Trung Quốc vừa thực hiện các chính sách siết chặt hoạt động của các nền tảng cho vay trực tuyến, vốn phát triển rầm rộ tại quốc gia tỷ dân những năm gần đây, với hàng loạt các ứng dụng cho vay trực tuyến, các công ty fintech và những bên cho vay không bị chính quyền kiểm soát. Các nền tảng trên internet được yêu cầu ngừng cung cấp các khoản vay trực tuyến cho sinh viên, đồng thời rút bớt tín dụng hiện có. Các ngân hàng cũng phải được phê duyệt trước khi thúc đẩy các khoản vay như vậy trong các trường đại học.

Trước đó, các khoản vay trực tuyến ngắn hạn cho sinh viên được thực hiện với thủ tục dễ dàng. Các bên cho vay thường không thực hiện việc xem xét khả năng chi trả của người vay và khoản lãi suất của những khoản tiền vay này thường lên tới 15-24%/năm. Do các nền tảng cho vay hoạt động tràn lan, không nằm trong tầm kiểm soát, nên giới chức Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thống kê chính xác số lượng nền tảng cho vay này. Ước tính có khoảng 7.000 ứng dụng, dịch vụ cho vay trực tuyến ở Trung Quốc, cao gần gấp đôi số lượng ngân hàng truyền thống.

Đáng nói là, việc thu hồi nợ của các khoản vay thì hoàn toàn ngược lại. Những năm gần đây, truyền thông Trung Quốc đã phản ánh về hàng loạt hệ lụy liên quan tới hoạt động trả nợ của các app lãi suất “cắt cổ” này. Thậm chí, có những vụ việc gây “sốc” khi chủ nợ dùng mọi biện pháp đe dọa, gây áp lực để đòi được tiền. Bởi vậy, sự vào cuộc của chính quyền để siết chặt kiểm soát đối với ngành fintech, cũng góp phần ngăn chặn các hành vi lạm dụng vay nợ nhắm tới các đối tượng là người trẻ tuổi.

Người trẻ khốn đốn

Việc chính quyền đưa ra quyết định cứng rắn với những hệ thống cho vay trực tuyến, đã khiến cho một bộ phận giới trẻ Trung Quốc hoang mang khi đang gánh những khoản nợ chồng chất. Nhiều sinh viên, thậm chí những người đã tốt nghiệp và có thu nhập, cũng cảm thấy áp lực vì những khoản nợ trong quá khứ. Nếu trước đây, một số người trả nợ theo phương thức vay tiền tại một nền tảng, rồi trả nợ cho một nền tảng khác để tránh bị vỡ nợ, thì với chính sách mới của chính quyền, họ không thể vay – trả như vậy được nữa. Theo Bloomberg, hiện 36 triệu sinh viên đại học tại Trung Quốc đang phải dần thích nghi với cuộc sống khi không có các app cho vay tín dụng dễ dàng.

Nghiên cứu của công ty McKinsey & Co. chỉ ra, thế hệ Z (những người sinh từ năm 1996 đến 2010), lớn lên trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc bùng nổ và tăng trưởng bứt phá, đã được kỳ vọng sẽ có mức lương cao khi ra trường. Được đánh giá có khi hơn cả những thế hệ đồng trang lứa tại một số nước phát triển khác trên thế giới và những thế hệ đi trước, giới trẻ ở Trung Quốc trở nên lạc quan hơn và sẵn sàng tiêu xài hoang phí hơn. Trong khi các khoản vay tín dụng dễ dàng được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử đã khiến giới trẻ Trung Quốc “hoang tưởng” rằng, họ có thể thu hẹp khoảng cách giữa phong cách sống mà họ mong muốn với khả năng chi trả thực tế.

Những người đang mắc nợ hiện vẫn chưa tìm được lối thoát, bởi mức lãi suất cao “cắt cổ” đồng nghĩa với việc họ phải trả liên tục nhưng không thể hết nợ. Nhiều người cũng không thể tiếp cận với các nguồn cho vay chính thống như các ngân hàng, khi họ chỉ được giải ngân nếu có điểm tín dụng cao và chứng minh được mức thu nhập tốt và ổn định. Theo ông Shen Meng, giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson có trụ sở tại Bắc Kinh, rất nhiều người sẽ gặp khó khăn khi muốn thoát khỏi mớ rắc rối từ việc đi vay trực tuyến này. Một số người trẻ có thể sẽ chuyển sang các kênh “tín dụng đen” để vay tiền trả nợ một cách bất hợp pháp và ngày càng lún sâu vào vòng xoáy nợ nần hơn bao giờ hết. “Tình hình hiện nay rất đáng lo ngại”, ông Shen Meng đánh giá.

Vài năm gần đây, các app cho vay lãi suất cao cũng phát triển rầm rộ tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Cùng với nỗ lực của các quốc gia đưa ra khung pháp lý để kiểm soát hoạt động của các dịch vụ tín dụng trực tuyến, thì người đi vay tiền, nhất là giới trẻ cũng cần cảnh giác để tránh rơi vào những “bẫy” tín dụng với vòng xoáy nợ nần không có lối thoát. 

 HẢI MINH

Nguồn: baovanhoa.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC