Trước đây, Zalo.vn và ‘sân sau’ Zing.me có lẽ được xem là mạng xã hội thành công nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện tại tuy nhiên mạng xã hội này đã từng khiến nhiều người đặt câu hỏi về nguồn gốc xuất xứ khi bị chỉ ra sự liên hệ của mã nguồn Zalo với mạng xã hội Wechat phổ biến ở Trung Quốc. Vì vậy, với nhiều người dùng Việt, Zing.me hay Zalo.vn chưa được xem là một mạng xã hội ‘made in Viet Nam’ 100%.
Năm 2019 đánh dấu sự bùng nổ của các mạng xã hội Việt Nam khi hàng loạt các mạng xã hội xưng danh là mạng xã hội Việt. Những trang mạng xã hội này thường xuất hiện với một đặc điểm chung khi đi cùng những lời tuyên ngôn cực kỳ hùng hồn tuy nhiên kết cục lại có vẻ không được khả quan.
Trước sức ép cạnh tranh của các ông lớn đến từ nước ngoài, có vẻ như đây là một động thái vùng dậy của của các nền tảng nội. Tuy nhiên, những mạng xã hội “Made in Viet Nam” sau những tuyên bố hùng hồn ra sao sau 1 năm đi vào hoạt động?
Hahalolo: Mạng xã hội du lịch bị biến tướng
Cú nổ đầu tiên trong năm 2019 đến từ mạng xã hội Hahalolo (www.hahalolo.com). Với câu chào hàng mang khát vọng có được 2 tỷ thành viên trong 5 năm tới và sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ), mạng xã hội du lịch mới của Việt Nam này gây choáng váng với người dùng ngay từ lúc ‘chào sân’. Được ra mắt vào 6/2019, Hahalolo thậm chí còn tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook.
Tuy nhiên sau 1 năm hoạt động, thay vì tập trung vào phát triển nền tảng tạo ra những tính năng nổi bật thì Hahalolo lại bị người dùng cáo buộc với những hoạt động tuyển nhân sự ồ ạt, quảng cáo phương thức kiếm tiền qua các gói đầu tư, kêu gọi vốn và thậm chí là phát hành ví điện tử trái phép. Khác với con số 500.000 người dùng sau một tháng ra mắt, Hahalolo hiện chỉ có hơn 1 nghìn lượt truy cập mỗi ngày.
Gapo: Mạng xã hội được đầu tư 500 tỷ đồng 'chết yểu'
Ngay sau Hahalolo, Gapo tiếp tục là một mạng xã hội được chứa đầy tham vọng.
Ra mắt vào tháng 7.2019, Gapo cũng có tuyên bố hết sức hùng hồn khi có tham vọng thu hút 50 triệu người dùng sau ba năm thành lập thậm chí còn được rót vốn 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay từ ngày ra mắt, mạng xã hội màu xanh lá này đã gặp ngay sự cố ‘sập mạng’ ngay trong buổi chiều ra mắt. Thậm chí mạng xã hội ‘made in VietNam’ này còn dính phải nghi án ‘ắn cắp’ điều khoản thỏa thuận người dùng từ Google.
So với con số 50 triệu người dùng sau ba năm thành lập thì hiện tại Gapo chỉ có chưa đến 4,500 lượt truy cập hàng ngày.
Mạng xã hội này vẫn hoạt động nhưng chủ yếu là các tài khoản và tương tác ảo.
Lotus: Đóa hoa sen không thể nở rộ?
Mạng xã hội Lotus được xem là màn trình làng đáng chú ý nhất trong năm 2019.
Được VCCorp đầu tư 1.200 tỷ đồng vào 9/2019, Lotus thực sự gây được cơn sốt khi được đầu tư khá bài bản, hợp tác với hàng trăm đơn vị sản xuất nội dung, hàng loạt KOL, ngôi sao, các tờ báo, đài truyền hình.
Tuy nhiên, sau 1 năm hoạt động, tình hình mạng xã hội Lotus không khá khẩm gì hơn khi nhiều bài viết dường như không hề có tương tác. Dù mới lạ hơn nhưng lượng visit của Lotus chỉ đạt mức 10,600 lượt visit/ ngày.
Có thể nói dù đã được đầu tư với nhiều cách thức khác nhau, nhưng đa phần các mạng xã hội 'Made in VietNam' đều chưa thể gây ảnh hưởng đến thói quen của người dùng Việt và thậm chí còn ở trong tình trạng 'vườn không nhà trống'.
TECHZ.VN