Chỉ vì vài lần bị người xung quanh đem ra bỡn cợt, soi xét, Thúy Hiền trở nên ngại giao tiếp và né tránh các mối quan hệ không thân thiết.

Vết thương tâm lý từ nhỏ khiến Thúy Hiền (20 tuổi) - sinh viên năm 3, Đại học Kinh tế - gặp vấn đề về giao tiếp và loay hoay tìm lại cách kết nối cảm xúc với người xung quanh.

Hiền kể, năm 8 tuổi, trong một lần về quê, cô gọi nhầm một người chị họ là bác. Vì không nắm rõ vai vế, nữ sinh chỉ đơn giản dựa vào ngoại hình để xưng hô cho phải phép.

"Mặc dù tôi đã sửa sai ngay, một số người họ hàng vẫn coi sự nhầm lẫn đó như trò đùa và nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chuyện tưởng như rất nhỏ nhưng với tâm lý non nớt của một đứa trẻ, tôi rất xấu hổ khi bị lôi ra cười cợt", cô chia sẻ.

Tổn thương lúc nhỏ hình thành nỗi lo sợ bị đánh giá. Vì vậy, khi đứng trước đám đông, Hiền thường thấy bối rối, lo lắng đến khó thở. Trong các cuộc tranh luận, cô cũng không dám bày tỏ quan điểm cá nhân vì sợ nói sai sẽ bị mọi người cười chê.

Thúy Hiền không phải bạn trẻ duy nhất sống khép kín, tránh giao tiếp xã hội khi bị trêu đùa cảm xúc và không thể chia sẻ với ai.

Mất kết nối cảm xúc

Trong cuốn sách Tâm lý học về rối loạn nhân cách tránh né, bác sĩ tâm thần người Nhật Bản - Okada Takashi - đề cập đến phản ứng phòng vệ. Hiểu đơn giản, đây là hành động cố gắng tránh xa những hoàn cảnh và nơi chốn có nguy cơ gây tổn thương lần nữa tới vết thương tâm lý cũ.

Đó cũng là lý do khiến Thúy Hiền sợ về quê, giảm tiếp xúc với những mối quan hệ không thật sự thân thiết, kể cả họ hàng. Cô thu mình lại để bảo vệ cảm xúc cá nhân.

Thế nhưng, khi lớn hơn, Hiền lại phải đối mặt với những khó khăn khác. Người thân và cả những người xung quanh không chỉ soi xét việc cô nhuộm tóc, phán xét cách cô ăn mặc là "hở hang" mà còn áp đặt những định kiến "con gái phải dịu dàng, thùy mị".

"Mọi người can thiệp quá sâu vào lối sống và cách nghĩ khiến tôi cảm thấy ngột ngạt và ngày càng tự ti hơn", cô gái 20 tuổi bày tỏ.

Nỗi lo sợ trong giao tiếp ảnh hưởng khá nhiều tới học tập và sinh hoạt hàng ngày của Hiền. Trên lớp học, cô không dám thể hiện ý kiến hay trả lời câu hỏi của thầy cô dù biết đáp án. Ngoài xã hội, nữ sinh ngại giao tiếp với người lạ, không dám mở rộng các mối quan hệ mới.

Giống như Thúy Hiền, Phương Anh (SN 2000, Hà Nội) cũng đang dần mất đi các kết nối trong cuộc sống. Vòng lặp nhàm chán của việc đi làm, về nhà, làm thêm ngoài giờ khiến cô gái 23 tuổi chai lì cảm xúc, không còn động lực trải nghiệm những điều mới mẻ.

1 Vi Sao Nhieu Nguoi Tre Hien Song Co Doc Chi Thich O Mot Minh

Phương Anh mất kết nối cảm xúc với những người xung quanh vì áp lực dồn nén mà không thể chia sẻ với ai.

"Công việc hiện tại không phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân nhưng tôi vẫn ép mình tiếp tục, vì đó là mong muốn của gia đình", cô gái SN 2000 nói.

Sự gò bó của chốn công sở, mâu thuẫn với đồng nghiệp, văn hóa công ty không phù hợp khiến Phương Anh mệt mỏi, chán chường. Áp lực công việc đè nén, cộng thêm tâm lý sợ thua kém bạn bè khiến cô ngày càng thu mình lại.

Trước đây, mỗi khi buồn bã, Phương Anh thường tìm tới bạn bè để giãi bày tâm sự. Tuy nhiên, những phản ứng cô nhận được lại là sự hời hợt và những lời khuyên sáo rỗng "nên làm thế này, thế kia…". Điều đó khiến cô gái Hà Nội cảm thấy mình như một gánh nặng, làm phiền tới người khác.

"Sống một mình, ăn một mình, xem phim một mình. Thế cũng tốt, chẳng vướng bận ai", cô bộc bạch.

Chia sẻ để được thấu hiểu

Nguyễn Tất Đạt - sinh viên năm nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết, khoảng cách thế hệ cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mất kết nối giữa người trẻ như cậu với gia đình. Chàng trai từng không thể hòa hợp với bố mẹ trong một thời gian dài.

Vấn đề bắt nguồn từ sự kiểm soát và kỳ vọng quá lớn mà bố mẹ dành cho Đạt.

"Bố mẹ luôn giám sát tôi đi đâu, đi với ai và thường xuyên kiểm tra điện thoại bất chợt. Bố mẹ còn hay so sánh tôi với "con nhà người ta", muốn tôi phải thực hiện theo những định hướng tương lai mà họ sắp đặt", nam sinh kể.

Với khát khao khẳng định bản thân, Đạt khó chấp nhận cuộc sống được "lập trình" như thế.

Vì vậy, bước vào giai đoạn dậy thì, nam sinh SN 2005 thường có những phản ứng gay gắt khi bị kiểm soát. Cậu ít khi nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ, thường xuyên ra khỏi nhà để tránh những mâu thuẫn không đáng có.

Đỉnh điểm, trong một lần cãi cọ, mẹ nặng lời chỉ vì Đạt không đứng nhất lớp trong bài khảo sát hàng tháng. Sự tức giận dồn nén khiến nam sinh đập tay vào tường đến bật máu. Chứng kiến hành động ấy, mẹ cậu bật khóc.

"Nhìn giọt nước mắt của mẹ, tôi chợt thấy bối rối. Sau đó, hai mẹ con ngồi bình tĩnh lại và bộc bạch thẳng thắn. Tôi nhận ra mẹ cũng vì thương mình nên mới như vậy", nam sinh nói.

2 Vi Sao Nhieu Nguoi Tre Hien Song Co Doc Chi Thich O Mot Minh

Tất Đạt (ngoài cùng bên phải) học cách kiểm soát cảm xúc để gắn kết hơn với gia đình.

Tất Đạt tự soi xét và nhận thấy mình cần giảm bớt cái tôi để hòa hợp với gia đình. Dù không dễ dàng, cậu cố gắng học cách kiềm chế sự tức giận, suy nghĩ thấu đáo hơn.

Đạt tiết lộ một cách khá hữu hiệu với mình để giữ bình tĩnh: "Mỗi khi mất kiên nhẫn, tôi thường rót một cốc nước thật đầy rồi uống hết trong một hơi để cân bằng lại cảm xúc".

Đặc biệt, Tất Đạt thẳng thắn và kiên nhẫn chia sẻ quan điểm cá nhân với bố mẹ. Cậu mong họ lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng quyết định của mình. Ngoài ra, chàng trai 18 tuổi còn chủ động giúp đỡ bố mẹ trong các công việc gia đình.

Tìm cách kết nối lại

Theo bác sĩ tâm thần Okada Takashi, nguồn sức mạnh có thể thay đổi cuộc sống của một người theo hướng tích cực và cải thiện những vấn đề tâm lý trong xã hội là sự kết nối với cá nhân khác.

Khi cảm thấy bản thân trì trệ, năng lực cá nhân không phát triển mà còn thụt lùi lại so với bạn bè đồng trang lứa, Phương Anh quyết định từ bỏ công việc hiện tại. Cô đăng ký khóa học bồi dưỡng giọng nói - dự định ấp ủ bấy lâu nay - để cải thiện tư duy và giao tiếp, hỗ trợ cho công việc phát thanh viên mà mình hướng tới.

"Chưa bao giờ là quá muộn để theo đuổi đam mê", cô cho hay.

Đồng thời, Phương Anh còn tham gia các hoạt động xã hội như xây nhà tình thương, quyên góp quần áo cũ cho trẻ em vùng cao… Việc trao đi những giá trị tích cực khiến nữ sinh Hà Nội tìm lại được niềm vui sống.

Với Thúy Hiền, cô cũng chủ động mở lòng hơn với mọi người nhưng nói "không" với các mối quan hệ độc hại. Cô tránh tiếp xúc với những người mang năng lượng tiêu cực.

Đồng thời, nữ sinh Đại học Kinh tế tự nâng cấp bản thân bằng việc trau dồi tri thức, học kỹ năng mới để đón nhận những cơ hội phát triển trong tương lai.

"Chỉ khi thực sự công nhận bản thân, bạn mới có thể mở lòng đón nhận mọi người hơn", cô tâm sự.

Thu Trang

Ảnh: NVCC

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC