Làm gì có ai muốn ở trong một căn nhà trọ chật hẹp, trong một con ngách nhỏ ngoằn ngoèo, trong một con ngõ chật kín chen chúc?
Làm gì có ai muốn ở trong một căn phòng nhỏ trên lầu bí rìn rịt, muốn lên được phải trèo qua hàng chục bậc cầu thang tối om?
Làm gì có ai muốn ở trong một căn nhà chung chủ, bị giới hạn thời gian giờ giấc, chung đụng với người khác từ khoảng sân, cái nhà vệ sinh hay cái hiên nhà, sống trong nhà nhưng cứ phải nhìn trước ngó sau cố gắng không ảnh hưởng tới ai mà nín thở mong đừng ai ảnh hưởng tới mình?
Làm gì có ai muốn rời cái nhà ở quê rộng rãi có sân có vườn có con cún con mèo chạy quanh có khoảng trời cao rất rộng đón lấy nắng mưa trăng sao mỗi ngày để tới nơi đông đúc, người ta đo với nhau từng mét vuông?
Tôi đi tìm trọ, lang thang hết cả trên mạng lẫn lê la bao nhiêu con hẻm hẹp đường đông để tìm thấy một cái biển “cho thuê nhà". Tôi nhanh nhẹn ấn số điện thoại in trên tấm biển hẹn chủ nhà cho gặp xem phòng.
Tôi đi xem một căn phòng thoáng đãng, có cửa sổ có hiên nhà, có giếng trời có ban công, phòng ốc thoáng mát sạch sẽ có cách âm chống cháy có thoát hiểm có báo động, … Tụi tôi hỏi giá rồi tự ngậm ngùi nhìn nhau:
- Đẹp nhưng mà mắc quá ạ, em cảm ơn anh cháu cảm ơn chú con cảm ơn cô.
Rồi tôi đi vào sâu trong con ngõ hẹp hơn, quẹo qua con hẻm nhỏ hơn, lách người và xe qua những người và xe khác. Tìm thấy một căn nhà nhỏ xíu chồng tầng, bên trong là cả chục hộ cùng chen nhau ở.
- Phòng hơi cũ tí, không có cửa sổ nên hơi bí tí mẹ ạ
- Khu nấu ăn chung ạ, có mấy nhà cùng nấu ở đấy.
- Không thì con nấu trong phòng cũng được. Một góc là giường, một góc để bàn học với tủ quần áo, gần cửa con để đủ lạnh giá bát với nấu ở đấy luôn. Không sao đâu mùi một tí thì con bật quạt.
- Nhà vệ sinh này cũng chung ạ, có 3 phòng chung nhau chắc tầm 10 người ạ.
- Chỗ để xe hơi chật một tí, muốn lấy xe hơi khó. Xe con mà để bên trong thì phải dắt 2-3 xe khác mới lấy được đấy.
- Thoát hiểm á? Chống cháy á? Không có đâu nhà dân mà mẹ. Chắc không sao đâu, mình có làm cái gì đâu mà cháy.
- Hơi xa trường con một tí, nhưng gần trường thì đắt lắm.
- Nói chung là cũng tàm tạm mẹ ạ. Được cái rẻ.
Tôi đi tìm thêm người ở ghép. Vì dẫu có rẻ thì một đứa tôi khi còn là sinh viên hoặc khi mới đi làm, căn phòng hẹp tối om ấy cũng phải chia ra cho vài người.
MẸ ƠI, MẸ CHO CON XIN 70 NGHÌN, CON ĂN NỐT BỮA NAY, MAI CÒN VỀ VỚI MẸ ...
Đó là cuộc gọi cuối cùng của em Khải gọi về cho mẹ trước khi em mất.
Ngồi trên bậc thang của nhà tang lễ, cô Thúy mẹ em Khải khóc nấc gọi về cho chồng: "Anh ơi, anh đang ở đâu. Thằng Khải con mình nó mất rồi, nó chết cháy rồi anh ơi là anh ơi…”, những câu chữ khiến bất kỳ ai nghe được cũng cảm thấy rụng rời ...
Cô Thúy kể “Chỉ còn vài ngày nữa là Xuân Khải ra trường rồi. Tối qua Khải gọi điện cho tôi nói: 'Mẹ ơi, mẹ cho con xin 70.000 đồng, để con ăn nốt bữa tối ở Hà Nội, ngày mai con về quê”.
Thế mà chỉ sau một tối, mẹ con chẳng bao giờ được gặp nhau nữa. Nó sẽ được về quê đấy, nhưng là về để người nhà nhìn mặt lần cuối… Đau xót lắm cháu ơi”.
Người ta bảo người nghèo hay xui,
Không phải tự dưng mà người nghèo dễ xui hơn.
Ai cũng mưu cầu hạnh phúc cả, thế nên người ta chen lên thành phố học tập lao động để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.
Trong lúc ấy họ chấp nhận chịu khổ một chút, chịu khó một chút để rồi một ngày ngoi lên.
Có người có ngày ấy, có người thì không.