Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Vợ kém tôi 5 tuổi. Tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, cô ấy có cơ hội sang Austrailia học cao học. Sau nhiều năm học và làm việc ở nước ngoài, cô ấy cũng trở về nước vì muốn sống gần gia đình, bạn bè.
Nhờ một người quen mai mối, chúng tôi trở thành người yêu của nhau. Tôi nể phục bởi cô ấy là người tri thức, có tư tưởng tân tiến, hiện đại. Sau 1 năm hẹn hò, chúng tôi về chung một nhà.
Cuộc sống vợ chồng son của chúng tôi không có gì phải phàn nàn. Cô ấy thường có những ý tưởng, quan điểm khiến tôi phải gật gù, đồng tình. Làm việc có thu nhập tốt, vợ tôi vẫn thường tìm các cơ hội để trau dồi năng lực bản thân. Cô ấy thường xuyên đăng ký các khóa học thêm, giao lưu với những người tri thức và có thói quen đọc sách.
Trong nhà của chúng tôi có rất nhiều sách. Mỗi lần đọc xong quyển nào, vợ tôi cũng đều nâng niu cẩn thận. Vợ cũng khuyên tôi bỏ dần thói quen lướt mạng vô bổ hay mất nhiều tiếng đồng hồ để xem phim trên truyền hình. Thay vào đó, cô ấy muốn tôi dành thời gian đọc sách, khám phá thế giới bên ngoài… để thấy cuộc sống thú vị hơn.
Vợ thấy quan điểm đọc sách rất bổ ích nên muốn lan tỏa đến những người xung quanh.
Tết năm đầu tiên về nhà chồng, thay vì chạy khắp nơi hỏi chỗ đổi tiền mới để lì xì cho các cháu, cô ấy cẩn thận hỏi tôi về độ tuổi, năng lực học tập… của 9 đứa cháu trong gia đình tôi. Ngoài ra, cô cũng hỏi thêm về các cháu khác trong họ hàng. Đến gần Tết, vợ tôi đi hiệu sách. Cô cẩn thận mua về rất nhiều sách, đủ các thể loại sau đó, tỉ mỉ gói thành các hộp quà lớn nhỏ, màu sắc khác nhau.
Ngày đầu năm mới, khi cả nhà quây quần, các cháu tôi lại theo thông lệ đòi tiền lì xì. Các anh cả, anh hai, chị ba, chị tư… đều lần lượt rút phong bao ra mừng bọn trẻ. Chúng nó hò hét vui sướng khi mở các bao lì xì ra. Người thì mừng 100 nghìn đồng, người thì 50 nghìn đồng... Không có ai mừng 10 hoặc 20 nghìn đồng vì không bọn trẻ sẽ trách là “keo quá”. Đám trẻ xôn xao, hò reo và bắt đầu khoe số tiền mừng tuổi mà chúng có làm nháo nhác cả nhà.
Tuy nhiên đến lượt hai vợ chồng tôi, chúng tôi lại không rút ra tờ phong bao lì xì nào. Vợ đã dặn tôi năm nay không mừng tiền thay vào đó cô ấy đã chuẩn bị sách làm quà tặng đầu năm mới. Không thấy có tiền, đám cháu tôi xị mặt. Vợ tôi vội vàng xách các gói quà ra. Chúng nó hồ hởi mở quà. Nhưng khi thấy toàn sách là sách… vẻ thất vọng không giấu được trên gương mặt đám trẻ con.
“Sao lại là sách? Con chẳng thích đâu”, một đứa nói. Đứa khác tế nhị hơn, cháu vẫn cầm nhưng không một chút hào hứng.
Các chị dâu tôi xì xào: “Vợ chồng chú Hải (tên tôi) thu nhập cao thế, thưởng Tết ngất ngưởng mà keo với các cháu quá, có mấy đồng bạc mừng tuổi ngày Tết mà cũng tiếc”.
Tôi nghe những lời đó thấy ái ngại cho vợ tôi. Tôi sợ cô ấy buồn, tổn thương bởi số tiền mua sách không hề nhỏ và quan trọng là cô ấy bỏ rất nhiều công sức để chọn mua, gói quà.
Nhưng vợ tôi vẫn bình tĩnh, nói với các cháu: “Không chỉ sách, năm nay, cháu nào có kết quả học tập tốt mang đến mợ sẽ thưởng lớn. Phần thưởng sẽ đa dạng hơn, tùy các cháu lựa chọn, có thể là quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, thậm chí là phiếu đi chơi công viên nước, đi du lịch…”.
Nghe vợ tôi nói, đám trẻ trong nhà hào hứng. Chúng nó còn bắt cô ấy cam kết: “Mợ nói lời phải giữ lấy lời đấy nhé”.
Không ngờ, tối hôm đó, có hai đứa cháu trong số được nhận sách đã nhắn tin cho vợ tôi. Chúng khen sách hay và ngỏ ý lần tới nhờ mợ dẫn đi chọn thêm sách. Tất nhiên vợ tôi hào hứng đưa chúng đi ngay.
Kết thúc năm học, đám trẻ mang bằng khen, giải thưởng mà chúng có mang đến nhà “đòi nợ” vợ tôi. Cô ấy đánh xe chở các cháu đi ăn, đi chơi nguyên một ngày. Chúng nó rất vui, hào hứng với món quà này.
Từ đó đến nay, vợ tôi vẫn giữ quan điểm không mừng tiền cho trẻ con. Lì xì của cô ấy vẫn là sách hay dụng cụ học tập. Đám trẻ con dần quen với món quà của “vợ cậu Hải”.
Không những thế chúng nó còn háo hức không biết năm nay mợ sẽ tặng quyển gì. Nếu vợ tôi tặng quyển mà chúng đọc rồi, chúng lại mè nheo đòi mợ phải mua quyển mới.
Độc giả Lê Thanh HảiNguồn: Vietnamnet.vn