Chồng Việt khi lấy vợ về, coi vợ như cái bàn, cái ghế, cứ việc sử dụng cho đã, nếu cái bàn, cái ghế đó cũ và hư thì thay cái mới. Còn chồng Tây thì sao?

Phương là kế toán viên, công việc ổn định và thu nhập cao, nhưng cô không giấu diếm ý định sẽ lấy chồng Tây và ra nước ngoài định cư. Phương làm đủ mọi cách mà không lấy được anh Tây nào, cuối cùng chấp nhận cưới một anh Việt kiều Mỹ đã một đời vợ, để sang Mỹ định cư.

Sau đó, tôi thấy Phương thỉnh thoảng gửi tiền từ Mỹ về giúp gia đình. Gia đình Phương khó khăn, cả nhà trông vào khoản tiền Phương gửi về, đó là lý do Phương phải đi Tây cho được. 

Năm năm sau, tôi nghe tin Phương bỏ anh Việt kiều, và phải tự bươn chải bằng cách đi làm ở một tiệm nail bên Mỹ. Thời gian sau tôi lại biết tin Phương lấy chồng Mỹ, và cô có tiền gửi về giúp bố mẹ và các em. Cũng lúc ấy, cô mới hãnh diện “nổi lên”, khoe với tôi cùng bạn bè về cuộc sống mới của cô.

Chồng thứ hai của cô sở hữu một công ty dịch vụ truyền thông. Khi cưới Phương, chồng cô chấp nhận thỏa thuận nuôi Phương và con riêng của cô. Phương vẫn đi làm, nhưng tiền cô kiếm được bao nhiêu, cô có quyền giữ để tiêu vặt và giúp đỡ gia đình. Giải quyết xong khúc mắc tinh thần, Phương thoải mái lắm, cô yêu chồng Mỹ rất nhiều. Cô tha thiết khuyên các chị em khác: đã dũng cảm rời quê hương đi Tây, thì đừng bao giờ lấy chồng Việt. Chồng Việt dù sống ở Tây bao năm vẫn gia trưởng lắm, ích kỷ lắm. Hồi Phương ở với chồng Việt kiều, phải kín đáo giấu tiền gửi về cho gia đình, đến khi chồng phát hiện ra thì xích mích nảy sinh. 

42 1 Da Di Tay Thi Khong Lay Chong Viet

(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Chẳng phải anh Tây nào cũng tốt như trong mơ, nhưng ít ra chị em lấy chồng Tây cũng thoát cái ách làm dâu và trăm gánh nặng trách nhiệm rất trời ơi đổ lên đầu.

Giao, một phụ nữ trên bốn mươi tuổi, chuyên gia tâm lý gia đình, chuyên gỡ rối cho phụ nữ về những vấn đề tình cảm, cho rằng, sự khác biệt mười mươi giữa chồng Tây và chồng Việt là ở chỗ: chồng Tây khi lấy vợ về rồi, coi vợ ngang hàng với mình, là thể diện của mình nên luôn nâng niu, chăm sóc và hãnh diện vì vợ, bởi anh ta biết rõ rằng, nếu anh ta coi thường vợ, thiếu chăm sóc thì anh đang coi thường chính anh, và anh sẽ mất vợ vào tay kẻ khác như chơi. Chồng Việt khi lấy vợ về, coi vợ như cái bàn, cái ghế trong nhà, cứ việc sử dụng cho đã, chẳng cần chăm sóc gì, nếu cái bàn, cái ghế đó cũ và hư thì thay cái mới.

Đàn ông Việt được xếp vào loại sung sướng nhất trên thế giới. Bởi các anh được hưởng nhiều quyền lợi từ gia đình, xã hội và nhất là hưởng lợi trên sức lao động và trí tuệ người vợ của anh. Biết bao thứ hủ tục hà khắc, biết bao tập quán nặng nề chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi người chồng. Một xã hội vì đàn ông đưa ra những tụng ca cho những người vợ hiền lành, đảm đang, hy sinh, chung thủy... chỉ nhằm vào việc ép người phụ nữ quên mình đi để phục vụ chồng và gia đình chồng, con cái. Xã hội ấy ép người phụ nữ bỏ quên quyền lợi của mình, bỏ quên chính mình để sống vì chồng, vì người khác.

Tại cộng hòa Czech, nếu anh không giàu, và anh không ga-lăng, thì anh đừng hòng lấy được gái Việt. Các cô gái Việt khi đã sang được Czech thì chọn lấy chồng Tây, vừa ổn định vấn đề định cư, lại được sống cuộc sống vợ chồng văn minh. Thanh được anh Việt kiều Czech về quê “rinh” sang Czech làm vợ sau khi anh này phải chi mất hai trăm triệu đồng làm được thủ tục đưa Thanh sang Czech. Nhưng làm vợ anh Việt kiều Czech được hơn ba năm, Thanh đã ly hôn. 

Năm đầu tiên vợ chồng Thanh sống với nhau khá ổn. Chồng đi bán hàng, vợ đi dọn dẹp thuê. Đến năm thứ hai, khi mẹ chồng chuyển tới sống với vợ chồng Thanh, Thanh bị xét nét đường ăn nết ở. Khi Thanh quá khó chịu, phản ứng lại mẹ chồng thì chồng cô lại đứng về phía mẹ mà dằn hắt cô. 

Chịu đựng một thời gian, Thanh đành nghĩ đến lựa chọn khác. Khi tìm được một anh Czech ưng ý nhất trong ba người đàn ông Czech yêu mến cô, Thanh quyết định ly hôn chồng Việt. Thanh biết mình làm khó cho chồng, nhưng cô không vì cái ơn chồng đưa sang Tây mà phải cắn răng chịu đựng một cuộc sống không hạnh phúc. Cô phải thay đổi để sống cuộc sống của mình. Bởi liệu có kiếp sau nữa không mà được sống bù đắp những ngày chịu đựng khổ đau ở kiếp này? 

 Kiều Bích Hậu

Phụ nữ Việt rất cao giá

Phụ nữ ngày nay không còn bị che mắt nữa rồi. Họ đã học nhiều biết nhiều, mở rộng tầm mắt, đã biết thế nào là cuộc sống gia đình hạnh phúc thực sự. Đó không còn là cuộc sống mà người chồng ngồi gác chân lên bàn xem ti vi chờ cơm vợ nấu, không là cuộc sống người vợ vừa đầu tắt mặt tối lo tròn nghĩa vụ ở cơ quan, vừa tranh thủ chạy chợ kiếm món nhậu về chế biến cho chồng mời bạn, sau đó lại nai lưng dọn dẹp... Không còn là cảnh xe máy chất đầy đồ về quê chồng biếu xén để được lời khen dâu thảo... 

Đó là cuộc sống khi sớm mai người vợ trở dậy đã thấy tiếng va chạm rất khẽ của bát đĩa, và khi vợ bước chân vào bếp, đã thấy mùi cà phê thơm nồng mà người chồng mau mắn rót ra đặt trước mặt vợ kèm lát bánh mì phết bơ ngon lành, cùng nụ hôn âu yếm ngày nào chồng cũng dành tặng vợ để thay lời “Anh yêu em”. 

Ở phương Tây, chẳng có người phụ nữ Việt nào xấu. Trong mắt đàn ông Tây, phụ nữ Việt là những “exotic women” (những phụ nữ đẹp lạ). Chỉ cần bạn bước ra đường là đã có nhiều đàn ông ngắm bạn, ước mơ có được bạn rồi. Và bạn thấy rất rõ giá trị của mình. 

 Mai Khánh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC