Nếu không đọc, sẽ rất khó để đào được sâu vào các tầng ý nghĩa của hiểu biết và tinh thần. Một cộng đồng không đọc sách là một cộng đồng hời hợt. Tất nhiên, khái niệm “sách” cũng cần được hiểu rộng rãi hơn xưa khi internet đã phát triển như vũ bão.

1 Doc Sach Ma Tin Ca Vao Sach Thi Tha Dung Co Sach Con Hon

Tôi là một người đọc sách, nhưng không phải “mọt sách”. Tôi đến với sách khá muộn, vì ở quê nghèo những năm 90 không có sách vở gì đáng kể, ngoài sách giáo khoa và văn mẫu ra chỉ có một số truyện tranh và truyện tiếu lâm. Hồi lớp 10, tôi cùng mấy đứa bạn rủ nhau đạp xe ra thành phố, cách nhà 30 cây số, đi tìm mua sách.

Tôi mua được những cuốn thơ nhỏ bằng lòng bàn tay của các tác giả trung đại lẫn hiện đại, và một số sách khác - rất khó đọc so với trình độ lúc ấy của mình, như cuốn Dẫn giải ý tưởng văn chương của Henri Benac.

Vô đại học, lần đâu tiên thấy cái thư viện với hàng vạn cuốn sách, tôi choáng ngợp. Và bắt đầu đọc. Ban đầu thì mông lung, rồi dần định hình lại, thu gọn thành “một vệt”. Tôi không có thói quen “vớ được gì cũng đọc”. Tôi cũng hầu như không đọc sách để giải trí.

Sách với tôi chủ yếu là một công cụ.

Tôi đọc sách với 2 mục đích rất rõ ràng: một, để giải quyết các vấn đề chuyên môn hoặc tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề mình đang giải quyết; và hai, để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Ý nghĩa của đời sống là gì”. Chính cái ý thứ 2 này đã dẫn tôi tới con đường tư tưởng của nhân loại, tôi đọc họ để xem các đạo gia và triết gia nghĩ gì. Bởi, nếu không trả lời được câu hỏi này, tôi nghĩ mình không thể sống sót!

Mỗi người có “phong cách” đọc sách khác nhau. Đọc vì thói quen, vì giải trí, vì công việc, vì yêu thích; đọc có mục đích và đọc không mục đích, đọc vì động cơ thực tế và đọc vì sự “lãng mạn”... Tôi nghĩ, không có một khuôn mẫu chung cho tất cả.

Nhưng dù sao, nếu không đọc, sẽ rất khó để đào được sâu vào các tầng ý nghĩa của hiểu biết và tinh thần. Một cộng đồng không đọc sách là một cộng đồng hời hợt. Tất nhiên, khái niệm “sách” cũng cần được hiểu rộng rãi hơn xưa khi internet đã phát triển như vũ bão.

Đọc sách là quan trọng, thậm chí hệ trọng, đối với tương lai một cộng đồng. Nhưng tôi coi trọng thói quen suy nghĩ hơn. Một người luôn quan sát, luôn tư duy, luôn chất vấn, luôn đi tìm câu trả lời thì họ sẽ đọc được sách ở khắp nơi: đó là cuốn sách của thiên nhiên, cuốn sách nơi con người, nơi các sự kiện xã hội...

Sách sẽ có mặt quanh ta, và mọi lúc. Và với tôi, cuốn sách dày nhất, sâu sắc nhất và có ý nghĩa nhất, chính là nội tâm mình. Một người luôn biết đào sâu vào tâm hồn mình, nhìn ngắm nó, đối thoại với nó, để hiểu nó và xác lập cho mình một hướng đi, tôi tin người đó sẽ và đang “đọc” một cách nghiêm túc và hiệu quả.

“Đọc sách mà tin cả vào sách thì thà đừng có sách còn hơn”, tôi nhớ câu ấy, không biết của ai. Nó có nghĩa là dù bất luận thế nào, tinh thần phản tư, sự chủ động truy vấn và đối thoại nơi một chủ thể mới là điều quan trọng nhất. Có làm chủ được mình, người ta mới làm chủ được sách, và làm chủ xã hội.

Nhà báo Thái Hạo




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC