Tổ tiên tôi là một trong những người đi đầu khai làng lập ấp. Vì thế, số lượng đất đai khai khẩn được tính bằng hàng chục mẫu. Sau khi chia chác cho con cháu, đến đời bố tôi vẫn được vài ngàn m2 đất ruộng, đất vườn và đất thổ cư mặt tiền đường lớn.
Nhưng tiếc thay, do nhiều yếu tố và làm ăn không gặp thời, bố mẹ tôi bán dần bán mòn đất được cho. Đầu tiên là bán ruộng bù lỗ vốn làm ăn, bán vườn để lấy tiền cất nhà. Vài năm sau đó, cứ mỗi lần thua lỗ là bán đi vài mét đất mặt tiền. Cứ thế bây giờ chỉ còn mỗi mảnh đất có ngôi nhà ông bà đang ở.
Ngày đó, do chưa nhận hết được tầm quan trọng của việc giữ của, nên không ai trong gia đình mảy may thấy tiếc. Đến vài năm gần đây, khi thấy giá đất ngày một tăng cao, mỗi lần nhìn lại những mảnh vườn, miếng đất trước kia thuộc về mình, ông bà cứ chép miệng tiếc nuối mãi. Mẹ tôi nhiều lần khóc vì không giữ được nhiều đất để chia cho con cái.
Tôi an ủi ông bà rằng: Bố mẹ đã nuôi con cái khôn lớn, cố gắng cho ăn học tử tế (anh em tôi đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng), có công việc ổn định thì đó chính là những mảnh đất vô hình mà nhiều người không có được.
Bây giờ, anh em tôi sau nhiều năm làm việc, cũng mua được nhà, dù chỉ là chung cư. Và chúng tôi đều thấy hài lòng về việc này. Riêng bản thân tôi, tất nhiên nếu nỗ lực cố gắng thêm, vẫn có thể mua được vài mét đất ở quê nhưng hiện tôi chưa có ý định mua mảnh đất nào vì còn phải giữ sức khoẻ và tinh thần nuôi con.
Nói về đất đai, hầu như ai cũng bị nó cám dỗ bởi những giá trị và nguồn lợi mà nó đem lại. Ngay cả các nhà văn lớn trên thế giới cũng ít nhiều đề cập đến vấn đề này trong những truyện ngắn và phát biểu.
Nhà văn người Mỹ đề cao giá trị của đất đai thông qua lời dặn: "Hãy mua đất, người ta không tạo ra nó nữa (buy land, they're not making it anymore).
Nhưng bên cạnh đó, văn hào Lev Tolstoy người Nga đã đưa ra một thông điệp, theo tôi rất nhân văn thông qua truyện ngắn Một người cần bao nhiêu đất (Много ли человеку земли нужно?).
Truyện ngắn kể về người nông dân nghèo Pakhom và vợ ở một nơi hẻo lánh. Sau khi nghe khoe khoang về cuộc sống giàu có của người chị vợ, hai vợ chồng Pakhom đã có hai suy nghĩ khác nhau. Bà vợ bảo rằng chị hài lòng với những gì mình có, và tin rằng đời sống thanh đạm là chìa khoá của sự lương thiện. Trong khi đó, Pakhom nói rằng nếu có đủ đất đai, anh sẽ không có gì phải sợ hãi, kể cả ma quỷ.
Ai dè, ngay lúc ấy, có một con quỷ ở gần, và nó nghe những gì Pakhom vừa nói. Nó thề rằng nó sẽ cám dỗ anh bằng đất đai. Thế là lòng ham muốn đất đai của Pakhom trỗi dậy.
Trong quá trình mua đất, Pakhom tìm được món hời khi chỉ cần tặng chút quà cho người Bashkirs thì có thể mua được đất to giá rẻ. Họ giao ước diện tích của mảnh đất này lớn như khoảng cách mà Pakhom có thể đi chung quanh trong vòng một ngày. Tức là anh phải trở về điểm xuất phát trước khi mặt trời lặn. Giá của mảnh đất này chỉ 1000 rúp.
Thế là Pakhom bắt đầu hành trình "đo đất", đi từ lúc mặt trời mọc, đến lúc nắng gay gắt vẫn cố hết sức đi và trở về điểm xuất phát trước lúc trời tối thành công. Nhưng oái ăm thay, anh ta đã ngã đùng xuống đất chết vì kiệt sức. Người làm của anh đã sử dụng thuổng để đào mộ chôn anh, và họ biết chính xác anh cần bao nhiêu đất: hai thước mốt, đo từ đầu đến chân.
Tuy chỉ là chuyện hư cấu, nhưng văn hào Tolstoy gửi gắm cho tôi một bài học sâu sắc về cuộc sống, cũng như chuyện cố gắng làm việc, tích luỹ mua đất đai.
Một người cố gắng làm quần quật, tích góp thật nhiều của cải, đất đai thì cuối đời cũng chỉ cần bao nhiêu đó đất. Và nếu ai chọn hoả táng và rải xuống biển thì có lẽ cũng không cần tấc đất nào.
Và suốt thời gian dài sống trong thấp thỏm, tiếc nuối vì giá đất, làm việc quần quật, vay mượn tiền để mua đất thì có xứng đáng không?
Trần Nghị