Nồi nước tắm tất niên thường được nhiều gia đình kê bên cạnh nồi nấu bánh chưng 30 Tết - Ảnh minh họa: C.K.
Từ sáng ba mươi Tết, mẹ gọi bầy con lại dặn dò thật kỹ, đi chơi đâu thì chơi nhớ buổi chiều về tắm nồi nước lá và không quên "bồi" thêm câu: "Đứa nào không tắm sang năm xui xẻo thì ráng chịu nhé".
Vì sợ xui xẻo nên anh em chúng tôi nhớ răm rắp "nhiệm vụ" phải tắm trong chiều ba mươi Tết của mình.
Việc tắm nước lá chiều ba mươi Tết trở thành ký ức, thành sự chờ đợi và lòng thì luôn nôn nao hướng về.
Tôi nhớ bắt đầu những ngày cuối tháng chạp trời hanh hao, mặc dù nắng đã ửng màu vàng chanh nhưng cái lạnh ở quê tôi vẫn chưa có dấu hiệu bớt. Mẹ sai tôi chạy quanh vườn dùng liềm cắt cây mùi già mang vào sân phơi đến khô cong thì thôi.
Mảnh vườn nhà nhỏ bé nhưng mẹ tôi trồng đủ thứ loại rau, củ, mỗi thứ một ít. Một phần mẹ mang ra chợ bán, phần còn lại sẽ dùng dần cho mấy ngày Tết. Sau này lớn lên, nhiều lúc nghĩ, Tết nhất ăn được có bao nhiêu đâu mà ai ai cũng phải chuẩn bị đủ thứ vất vả đến là cực khổ.
Trong mảnh vườn đó, không thể thiếu luống rau mùi, nguyên liệu chính cho nồi nước tắm chiều ba mươi của cả nhà.
Chiều ba mươi Tết, cạnh nồi bánh chưng là nồi nước lá của mẹ to đùng, sôi sùng sục. Ngoài lá mùi già mẹ còn cho thêm một ít lá hương nhu, lá mít, lá tre và một nhúm lá sả cho thơm.
Nước sôi, hơi bốc lên nghi ngút, mẹ thả hỗn hợp các loại lá đã rửa sạch cho vào nồi, đun chừng khoảng mười phút nữa thì nhấc xuống. Mỗi loại lá có một mùi khác nhau, khi quyện lẫn chúng tạo nên một thứ mùi đặc biệt, thật khó gọi tên.
Mùi nồng nồng ngai ngái của cây mùi già, mùi tinh dầu sả thơm thơm, mùi lá hương nhu dịu nhẹ và mùi lá tre thì thanh mát. Tôi rất thích ngửi cái mùi trong nồi nước lá. Thế nên tôi cứ giành phần đun nồi nước của mẹ, lần nào mở nắp vung tôi cũng cố nán lại thêm ít phút để được ngửi nhiều hơn.
Sau khi từ bếp xuống, nồi nước lá sẽ được mẹ chia ra một cái chậu nhôm, pha thêm nước lạnh cho độ ấm vừa phải rồi lần lượt mấy anh em vào tắm. Hồi còn nhỏ, tôi được mẹ tắm cho.
Tôi vẫn nhớ cái khoảnh khắc mẹ khoát gáo nước sóng sáng vàng lên người, mùi thơm thoang thoảng cùng khói hơi nghi ngút, bàn tay gầy gò của mẹ cạ vào da thịt tôi được sạch sẽ hơn bao giờ hết. Trong người cảm giác rất sảng khoái, như được gột sạch hết mọi thứ.
Sau này lớn hơn thì tự tắm, tôi có dịp tận hưởng mùi nước lá nhiều hơn. Nước lá quyến rũ, khơi gợi hết mọi dây cảm xúc dưới làn da mỏng mảnh, nhẹ nhàng và êm ái. Tôi cứ muốn tắm mãi, cho đến khi ở ngoài tiếng anh Hai tôi giục mới chịu thay đồ đi ra.
Việc tắm nước lá chiều ba mươi Tết với tôi hồi nhỏ đó chỉ là nghe theo mẹ "tắm cho sang năm mới bớt xui xẻo", lớn lên mới hay đó còn là một tập tục thật đẹp.
Người Việt tắm nước lá mùi già nói riêng và nồi nước lá nói chung để gột rửa, xua tan đi những điều không may mắn trong năm cũ, đón năm mới khởi đầu tốt đẹp hơn.
Khi lớn lên đi xa, mỗi lần về nhà đều được mẹ chuẩn bị cho một nồi nước lá để tắm. Lúc khoát gáo nước lên người, tôi rưng rưng nhớ đến mẹ.
Hình ảnh mẹ tất tả ngược xuôi làm không biết bao nhiêu việc trong chiều ba mươi nhưng vẫn không quên nấu nồi nước lá cho các con. Với anh em chúng tôi, lớn tướng nhưng vẫn là những đứa trẻ thơ trong mắt của mẹ.
Và bao lần như một, nước mắt tôi rơi nhòe mặn chát bờ môi. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có một gia đình đầm ấm, có mẹ chở che và yêu thương vô điều kiện.
Lúc tắm tôi cứ mơ màng, tâm tưởng trở về những chiều ba mươi Tết của những năm tháng ấu thơ. Thật tham lam khi tôi cứ muốn thời gian trở lại, muốn khoảnh khắc ấy là mãi mãi để sự thư thái, bình yên ngập tràn.
Cứ thế bao bon chen, mệt mỏi phố thị, những vướng bận năm cũ được cuốn đi theo dòng nước lá, nhường lại cho những gì tốt đẹp nhất.
Hôm nay, tôi ngước nhìn lên lốc lịch, thời gian dần trôi về những ngày cuối năm âm, lòng rộn ràng nghĩ ngày về quê nhà ăn Tết. Và như có một sự kết nối vô hình, thoảng bên tôi mùi nước lá chiều ba mươi Tết của mẹ thơm ngào ngạt, ngày Tết đến thật gần với bao nhiêu nhớ nhung da diết.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online