Tôi tủi thân ghê gớm khi thấy nhiều đồng hương của mình tỏ ý kỳ thị những người ở xa về ăn Tết, gọi chúng tôi là "kẻ mang dịch COVID-19 về cho quê nhà".

1 So Ve An Tet Khi Bi Ky Thi Mang Dich Ve Cho Que Huong

Có về quê ăn Tết hay không là chủ đề đang gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội những ngày này, cũng là một trong những vấn đề đang được hàng triệu người đi làm ăn xa như tôi quan tâm nhất. Suốt tuần nay, hết mẹ, anh cả gọi điện đến hai đứa con bám lấy tôi hỏi Tết này cả nhà có về không.

Câu trả lời đến lúc này vẫn là có.

Tôi chưa thực sự chắc chắn, một phần vì cần theo dõi diễn biến dịch bệnh trong vài tuần từ nay đến khi được nghỉ, một phần vì tôi muốn cân nhắc thêm khi nghĩ đến phản ứng của quê hương, của những người đồng hương về chuyện đồng bào làm ăn xa trở về.

Sự băn khoăn, ngập ngừng này đến với tôi khi theo dõi các cuộc trao đổi ở nhóm đồng hương trên mạng xã hội. Nhiều bình luận tỏ ý phản đối những người từ địa phương có dịch về quê ăn Tết vì cho rằng đây là nguyên nhân lây lan COVID-19. Mặc dù quê tôi cũng đang có dịch, nhiều người vẫn "kêu gọi" chúng tôi đừng trở về với ngôn từ rất gay gắt, mang tính kỳ thị.

Tôi cảm thấy tủi thân ghê gớm khi đọc những câu như: "Đi làm ăn, giàu có thì tự hưởng, chỉ giỏi mang dịch bệnh về cho quê hương".

2 So Ve An Tet Khi Bi Ky Thi Mang Dich Ve Cho Que Huong

Cuối năm, những người sống xa quê hương đều mong đến ngày về ăn Tết. (Ảnh: Tiền Phong)

Tôi đã thực sự trải nghiệm cảm giác bị kỳ thị từ lần về quê thăm mẹ ốm trước đó. Mặc dù quận tôi sống ở Hà Nội chỉ là vùng vàng, cấp phường là vùng xanh, tôi có kết quả test âm tính, khai báo y tế đầy đủ và cũng chỉ ở nhà với mẹ, vài người hàng xóm vẫn đánh tiếng chê trách và mắng vốn.

Bà thím nhà đối diện mỗi lần quét ngõ cố tình lia chổi thật mạnh và bóng gió bảo gia đình tôi là vô ý thức, bất chấp thực tế chúng tôi đã tiêm 2 mũi vaccine, không vi phạm chủ trương, quy định nào của Nhà nước về phòng chống dịch và cuộc sống đang trở lại bình thường mới.

Tết Nguyên đán là thời gian đoàn tụ gia đình, mẹ già lại ốm đau nên tôi dự định khi được nghỉ sẽ lập tức đưa cả nhà trở về. Thế nhưng việc một số địa phương kêu gọi công dân đừng về quê ăn Tết nếu không thực sự cần thiết hay có văn bản "làm khó" người về, trên nhóm đồng hương tỉnh tôi lại rộ lên tranh luận, với nhiều ý kiến mang tính "ném đá".

Cách nói của nhiều người khiến tôi chạnh lòng, tủi thân, cảm giác như bị quê hương hắt hủi, xua đuổi. Em út của tôi, cũng theo dõi diễn đàn, thậm chí còn "chat" bảo tôi cân nhắc chuyện về quê Tết này kẻo "nhức đầu vì bị cạnh khóe".

Em bảo, số mắc COVID-19 ở Hà Nội đợt này toàn ở mức trên 2.500 ca mỗi ngày, dù nhà tôi có ở vùng xanh hay vàng thì hàng xóm vẫn giữ tâm lý sợ hãi đối với những ai về từ Thủ đô.

Đến lúc này, vợ chồng tôi vẫn thống nhất sẽ tuân thủ quy định về chống dịch của Nhà nước và của chính quyền quê hương. Nếu nơi đang sống là vùng nguy cơ rất cao, đương nhiên tôi sẽ ở lại Hà Nội ăn Tết.

Còn nếu là vùng cam, quyết định về hay không sẽ tùy thuộc vào quy định của tỉnh nhà, sức khỏe của các thành viên trong gia đình, tình hình tiếp xúc dịch tễ của mỗi người ở thời điểm đó, và cả tình hình của tòa nhà chung cư tôi ở. Trong vài tuần tới, hai vợ chồng nhắc nhau hạn chế sự tiếp xúc với bên ngoài ở mức thấp nhất có thể. 

Cho dù ăn Tết ở đâu, chúng tôi cũng sẽ nghiêm túc thực hiện 5K và các quy định, khuyến cáo chống dịch, hạn chế những sự di chuyển, tiếp xúc không cần thiết (thật ra chúng tôi cũng chỉ định ở nhà với người thân mà thôi).

Chỉ mong một khi đã đủ điều kiện về, bà con ở quê hương đừng có thái độ kỳ thị, hắt hủi chỉ vì Hà Nội đang có nhiều ca bệnh.

Nguyễn Ánh Vân

Nguồn: vtc.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC