Dù đã dần quen với việc dời đổi các kế hoạch, luôn chuẩn bị sẵn "phương án B" cho mọi việc, chúng tôi vẫn bùi ngùi khi một lần nữa phải dời lại cuộc hội ngộ với đứa con đi học xa (mà thực ra cũng không biết dời đến khi nào).
Như mọi năm, tầm này nếu không chuẩn bị đón con về nước chơi tết, tôi cũng đã khấp khởi mua vé trước để con về thăm nhà dịp hè. Những chuyến bay được dự trù trước đến hơn nửa năm chưa bao giờ khiến những cha mẹ có con đi học xa phải nao núng bởi tính khả thi khi chuẩn bị trước từ quá sớm, cho đến khi dịch COVID-19 lan rộng, các chuyến bay thương mại bị huỷ hoặc hoãn vô thời hạn.
Tôi có theo dõi vài nhóm trên mạng dành cho những người có con du học nên dễ bắt gặp sự đồng cảm của những phụ huynh cùng cảnh ngộ. Họ lên đây trước là để chia sẻ thông tin về việc học, việc ăn ở của các con, nay chủ yếu động viên nhau bình tĩnh nghe ngóng để còn làm điểm tựa tinh thần từ xa cho con cái.
Những lời động viên tuy cần thiết và cũng an ủi nhau được phần nào, nhưng không giập tắt được nỗi lo về tính xác thực của số ca nhiễm cũng như số ca tử vong dưới các bài viết trên mạng xã hội.
So với nhiều du học sinh, con tôi vẫn may mắn khi được ủ ấm trong tình yêu thương của gia đình, bên cạnh những người cha, người mẹ thứ hai (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Qua trao đổi, tôi biết có người chưa được gặp con đã vài năm, có người chỉ có một con du học, có nhà lại đi hết cả hai hoặc ba con, nên giữa mùa dịch dã như thế này, họ như ngồi trên lửa, ăn ngủ cũng chẳng yên.
Tôi may mắn được gặp con trai tết năm rồi, nhưng bấy nhiêu chừng cũng chẳng thấm tháp gì giữa muôn trùng xa cách, dù các cuộc gọi video hay các ứng dụng tin nhắn, chát cũng giải quyết được phần nào nỗi nhớ và mẹ con vẫn có thể nắm bắt được tâm trạng, cảm xúc của nhau mỗi ngày, mỗi giờ.
Trong thời gian đi học, con tôi được ở cùng đại gia đình, được ông bà, các dì, cậu cưng như con ruột. Mọi người đưa con đi chơi đây đó cho con đỡ nhớ nhà, sắm sửa cho con để con không chạnh lòng khi thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ.
Tôi chỉ biết nuốt ngược nỗi nhớ vào lòng để tự an ủi rằng so với những đứa trẻ cùng tuổi đang co ro một thân một mình nơi ký túc xá hay cô đơn, lạc lõng trong những ngôi nhà trọ, con vẫn may mắn hơn rất nhiều khi được ủ ấm trong tình yêu thương của gia đình, bên cạnh những người cha, người mẹ thứ hai.
Dì ruột, người thay mẹ chăm sóc con trong thời gian học xa nhà (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Dù vậy, có những nỗi niềm nói ra chưa chắc nhận đồng cảm, có những tâm trạng không dễ được sẻ chia, khi cái câu "người giàu cũng khóc" đâu đó vẫn được dùng để mỉa mai gia đình có con du học. Niềm vui của những gia đình có con học xa như tôi, nếu không phải là những cuộc hội ngộ ngắn ngủi thì cũng chỉ là những cuộc gọi video đường dài, những tin nhắn hỏi han đong đầy thương nhớ hoặc những đoạn video clip, ảnh chụp cả nhà "ở hai đầu nỗi nhớ" để bên này cập nhật sinh hoạt của bên kia.
Một năm đầy biến cố sắp qua đi, ai nấy khấp khởi hy vọng khi đọc tin tức về các loại vắc-xin sắp lưu hành. Cầu mong một năm mới an lành cho tất cả, để những ai may mắn được gần gũi, được sống trong sự ủ bọc của những người thân yêu, cầu mong những yêu thương xa lại về gần, để khoảng cách không còn là bóng ma ám ảnh, để những trái tim thôi lỡ hẹn những mùa vui.
Mẹ Gấu