01
Vài ngày trước tôi có được nghe tâm sự của 1 cô bạn than thở. Cô ấy kể, đối với người ngoài, chồng cô rất ấm áp và tốt bụng, ai có việc gì trong xóm cũng giúp đỡ. Khi đi ăn với bạn bè, anh đều chu đáo quan tâm, đồng nghiệp công ty có khó khăn gì cũng giúp. Nhưng ở nhà thì lại khác.
Chồng cô thường xuyên thẳng mặt quát mắng cô, từ việc cỏn con cho đến việc lớn. Con nhỏ quấy khóc, chồng thấy ồn ào nên đi nhậu nhẹt với bạn bè. Đường ống nước ở nhà bị vỡ, anh ta giục vợ gọi thợ sửa cho nhanh chóng.
Vì đứa con, cô ấy đã âm thầm chịu đựng cho đến hôm ấy, cô bị chồng tát chỉ vì bàn ăn còn vết bẩn không lau. Đáp lại cái tát nảy lửa ấy, cô ném đơn ly hôn cho chồng. Người đàn ông cáu kỉnh, khó chịu bỗng bối rối: “Vì chuyện nhỏ nhặt này sao, em điên rồi?”.
Vậy đấy, nghe thì có vẻ khó tin nhưng lý do lớn nhất dẫn đến ly hôn là sự bất hòa trong tình cảm. Và những vấn đề vụn vặt trong cuộc sống chính là nền tảng khởi đầu cho sự bất hòa ấy.
Hôn nhân thực chất rất tầm thường, thất vọng nhiều rồi, đau đớn nhiều rồi, lòng người từ từ nguội lạnh, vết nước trên bàn tình cờ trở thành ngọn lửa bùng cháy sự chịu đựng bấy lâu.
Khắc họa hình ảnh một người đàn ông lịch lãm bên ngoài nhưng quát mắng vợ những chuyện vặt vãnh ở nhà khiến người ta cảm thấy sự giả tạo ấy càng đáng khinh.
Mỗi khi bạn thành công trong việc kiềm chế bản thân, điều đó có nghĩa là bạn phải mạnh mẽ hơn trước.
Chính vì thế, duy trì sự quan tâm và tôn trọng tối thiểu dành cho người mình yêu, sẵn sàng kiềm chế nhược điểm là điểm mấu chốt của hạnh phúc.
02
Mất bình tĩnh trước những người thân thiết của bạn vì bạn đã quen với việc được yêu – Đó chính là lý do của những người đàn ông đa nhân cách ấy.
Nhiều người trút bỏ những tính khí xấu tích tụ của mình cho những người thân thiết nhất. Nhưng dù bạn có gây tổn thương cho họ đến đâu, họ vẫn sẽ luôn tha thứ cho bạn.
Vì “người thân” là mối quan hệ bền vững hơn “người ngoài”. Chỉ trước mặt những người thân, bạn mới thoải mái nhất, mới bộc lộ những cảm xúc không thể bày tỏ trước mặt người ngoài.
Chỉ những người thân thiết nhất mới có thể mang lại cho bạn đủ sự an toàn và khiến bạn cảm thấy rằng, ngay cả khi bạn phơi bày mặt xấu trước họ, họ sẽ không bỏ rơi bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng mối quan hệ trong sự thân thiết ấy là vô điều kiện, bạn có thể làm tổn thương họ không chút do dự thì điều bạn nhận về chỉ là ân hận muộn màng.
Đừng đợi đến khi mất đi người yêu thương mình nhất mới nuối tiếc nhận ra.
03
Mất bình tĩnh là bản năng, biết kiềm chế là bản lĩnh.
Bố tôi là một người đàn ông khá cục cằn. Nhưng trong ấn tượng của tôi, ông luôn mỉm cười và đáp lại nhẹ nhàng mỗi khi nói chuyện với mẹ. Có lần xảy ra va chạm xe trên đường, bố lớn tiếng quát tháo người đã xô vào chân tôi chảy máu. Chưa bao giờ tôi thấy bố nóng nảy như thế dù cả 2 bên đều sai.
Đến khi về nhà tôi mới hỏi bố sao ở nhà bố hiền vậy mà ra đường như 1 người hoàn toàn khác. Ông cười: “Con biết tính mẹ rồi còn gì, bố sống với mẹ con cả đời chứ có phải sống với thiên hạ cả đời đâu. Ngọt với mẹ con bố chỉ có lợi chứ không thiệt”.
Hóa ra không phải bản tính bố lành, ông chỉ biết kiềm chế cảm xúc của mình, để không khí gia đình được yên ấm.
Napoléon từng nói: “Một người có thể kiểm soát cảm xúc của mình vĩ đại hơn vị tướng có thể hạ gục cả một thành phố”.
Mỗi người đều có tính cách riêng nhưng chỉ khi đối mặt với người họ yêu thương, họ mới sẵn lòng trở nên mềm yếu. Khi có vấn đề xảy ra, sự bao dung và lý trí chính là “chất bôi trơn” tốt nhất cho những xung đột trong các mối quan hệ.
Khi còn trẻ, bạn cảm thấy bạn bè ở khắp mọi nơi, không gì có thể khiến bạn cô đơn. Nhưng chỉ sau tuổi trung niên, bạn mới cảm thấy rằng không có gì thay thế được 2 chữ gia đình.
Hãy học cách lắng nghe cha mẹ, nhẫn nhịn với người bạn đời và bao dung con cái, anh em.
Dù thế giới có rộng lớn thế nào thì bạn vẫn luôn phải về nhà, dù quen biết bao nhiêu người thì cuối cùng vẫn chỉ có gia đình luôn ở bên bạn.
Theo Moon - Vietnamnet