Biết rằng nhạc sĩ Phú Quang đã điều trị bệnh gần 2 năm và nay ông ra đi ở tuổi 72 nhưng sự thật vẫn khiến người ta khó tránh khỏi xót xa, bàng hoàng.
Ông ra đi trong đúng một ngày đông. Một ngày trời hanh khô, lạnh lẽo. Ông ra đi trong "Nỗi nhớ mùa Đông"…
Thời của chúng tôi, những lứa thanh niên sinh năm 7X, 8X và có lẽ là bao gồm cả thế hệ khán thính giả lớn tuổi hơn, đã trưởng thành, bước qua thanh xuân với những bản tình ca bất hủ của ông.
Những người bạn quanh tôi hôm nay mở nhạc Phú Quang như một cách để tưởng nhớ về ông. Còn với tôi, những giai điệu ấy như kéo lại cả bầu trời ký ức về "một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may". Hà Nội và ngày cũ đã xa tôi, nhưng nhắm mắt tưởng chừng còn chạm tới.
Kho tàng hơn 600 bài hát của ông không phải bài nào cũng nhắc về Hà Nội, nhưng nét Hà Nội, chất người Hà Nội cứ man mác, trải dài theo từng khuông nhạc, từng lời hát như lời thơ. Chậm rãi mà thanh tao.
Hà Nội của Phú Quang cứ "đẹp - buồn", "buồn - đẹp", lãng đãng, u tịch, cổ kính với nóc cũ rêu phong, mái ngói xô nghiêng, cây bàng mùa đông xơ xác… Cô đơn mà chan chứa tình.
Nhiều ca khúc của ông mà thoạt nghe rất khó nhận ra đó là những tác phẩm được phổ nhạc từ thơ của người khác. Lời thơ và âm nhạc quyện vào nhau như vốn dĩ thơ sinh ra đã phải mang theo những giai điệu ấy.
Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Nhạc của ông quả thực đã làm cho ý thơ "lấp lánh hơn", như lời nhà thơ Phan Vũ từng chia sẻ.
Vậy mà, Hà Nội còn đó, nhạc, thơ còn đó. Người thì đã đi xa…
Sự ra đi của Phú Quang là tổn thất vô cùng lớn với nền âm nhạc Việt Nam đương đại. Có lẽ phải rất lâu sau mới lại có người khỏa lấp sự trống vắng của cây đại thụ ấy, mà tôi sợ rằng, sẽ không bao giờ còn có được. Không ai thay thế được Phú Quang trong lòng người yêu Hà Nội, yêu nhạc và yêu thơ.
Dẫu đời người không ai đứng ngoài được quy luật "sinh lão bệnh tử", nhưng trong những chặng đường đã qua, tôi tin ông đã trọn vẹn với tất cả những khoảnh khắc đẹp nhất với tình yêu người, yêu Hà Nội và yêu cuộc sống. Để bây giờ, người nghe nhạc của ông cũng sẽ luôn được sống trong những khoảnh khắc rất tình, rất thơ và cũng rất đời ấy.
Ông từng nói: "Ai cũng yêu vinh quang, nhưng rất ít người yêu được lao động để làm ra vinh quang. Bởi vì để có vinh quang, lao động rất cực nhọc".
Một đời lao động của Phú Quang, dẫu cực nhọc nhưng vinh quang mà ông đạt được sẽ không thể gặp được ở một người nào khác! Nhạc của ông sẽ vẫn trường tồn rất lâu cùng Hà Nội. Tác phẩm của ông vẫn còn ở lại, dịu dàng, sâu lắng trong trái tim những người yêu Hà Nội và trong những người yêu nhau.
Nguồn: Bích Diệp/ Dantri.com.vn