Ham muốn tình dục bằng... 0
28 tuổi, lấy chồng 2 năm nhưng chị H.T.L mãi chưa có con. Dù được chồng yêu chiều, tôn trọng, nhà chồng quý mến, công việc ổn định, ai cũng mong mỏi gia đình có thêm tiếng cười trẻ thơ nhưng chị L có điều khó nói. Chị không có cảm xúc với chồng mỗi khi gần gũi, thậm chí sợ hãi mỗi khi chồng... tắt đèn, dù anh cố gắng hết sức.
Anh động viên chị đi khám. Hết khám phụ khoa, điều trị nội tiết nhưng tình hình của chị vẫn không thay đổi. Cuối cùng, chị đến Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai khám.
TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm gene, nội tiết, tâm thần... nhưng tất cả đều cho kết quả bình thường.
Khai thác kỹ tiền sử bệnh nhân, BS Tuấn phát hiện khi trẻ, chị L bị lạm dụng tình dục. Chính điều đó khiến người phụ nữ này hoàn toàn không có cảm xúc, không dám gần gũi chồng. Chị được chẩn đoán xác định bị rối loạn chức năng tình dục.
Việc điều trị được tiến hành từng bước, từ nhận thức, hành vi, kèm thuốc. 2-3 năm sau, chị có đời sống tình dục bình thường.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Tuần trước, PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục tiếp nhận một nữ bệnh nhân 48 tuổi cũng mắc tình trạng tương tự chị L.
Bệnh nhân có ngoại hình xinh xắn, ăn mặc bắt mắt, nhưng vì không có ham muốn cảm xúc tình dục, người chồng đầu quyết định chia tay. Khi mối quan hệ hôn nhân lần thứ ha bên bờ vực sụp đổ cũng vì nguyên nhân trên, dù còn nhiều tình cảm vợ chồng, hai người vẫn muốn níu kéo, anh chị quyết định đến Viện Sức khoẻ tâm thần khám.
Tương tự với cách điều trị trước, các bác sĩ chỉ định cho chị thực hiện các xét nghiệm di truyền gene, xét nghiệm nội tiết. Ngoài ra, các bác sĩ cũng tiến hành đánh giá sang chấn thời thơ ấu của bệnh nhân.
Bị rối loạn chức năng tình dục, nên đi khám tâm thần
Chia sẻ tại hội thảo Sức khoẻ tâm thần về giới tính, tình dục và sinh sản chiều 8/10, TS Tuấn cho biết, mỗi ngày, Viện Sức khoẻ tâm thần tiếp nhận tới 400 bệnh nhân khám, tăng gấp 4 lần so với cách đây 3 năm.
Hiện nay với nhiều kiến thức hơn, các trường hợp mắc chứng lãnh cảm hay rối loạn chức năng tình dục, không có ham muốn tình dục đã trực tiếp đến khám tâm thần, thay vì "chạy quanh" khám khắp nơi. Bởi tới đây, các bác sĩ sẽ tiếp tục cho bệnh nhân thực hiện hàng loạt xét nghiệm đánh giá loại trừ.
TS Tuấn cho hay, theo Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan, phiên bản lần thứ 10, rối loạn chức năng tình dục bao gồm các cách thức khác nhau, trong đó bệnh nhân không thể tham gia vào mối quan hệ tình dục như mong muốn.
Bệnh nhân có thể thiếu quan tâm, thiếu thích thú, thất bại trong đáp ứng sinh lý cần thiết cho mối quan hệ tình dục có hiệu quả (như chứng rối loạn cương dương), hoặc không có khả năng cảm nhận cực khoái.
Điều khiến nữ giới giảm ham muốn tình dục, có thể do phụ nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề cá nhân, gia đình, sự nghiệp, tài chính... khiến họ căng thẳng, mất tập trung.
"Đặc biệt khi chị em đồng thời phải chăm sóc trẻ nhỏ hoặc các thành viên khác, đối phó với bệnh mãn tính, cảm thấy chán nản, hoặc bị lạm dụng... cũng có thể khiến phụ nữ giảm ham muốn" - BS Tuấn cho hay.
Theo nghiên cứu mới nhất năm 2018 của Sophie đăng trên tạp chí Lancet, 88% trẻ gái thanh thiếu niên có nguy cơ trầm cảm sau khi bị tấn công tình dục; 71% ca có nguy cơ lo âu; 91% có nguy cơ rối loạn stress sau sang chấn sau 4-5 tháng; 80% được chẩn đoán một loại rối loạn tâm thần.
TS Tuấn lưu ý, không ít bệnh nhân khi giảm hoặc không có ham muốn tình dục, lãnh cảm đã tự đi kiếm thuốc để điều trị cải thiện bằng các thuốc tương tự "cường dương" trong nam giới. Trong khi đó, thuốc trong điều trị tăng cường tình dục là thuốc kê đơn, có chỉ định chặt chẽ, thậm chí phải cho từng cá nhân riêng biệt. Do đó, bệnh nhân mắc chứng trên đây không nên tự mua thuốc, phải có sự chỉ dẫn của người có chuyên môn.
Nguồn: Võ Thu/ Giadinh.net.vn