1. KHÁT KHAO MỘT NỀN GIÁO DỤC TỐT CHO CON CÁI
Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (Trường AISVN) đã huy động được 4.042 tỷ đồng từ phụ huynh cho con học từ lớp 1 đến 12 theo 3 hình thức:
- 4 tỷ đồng đóng trọn gói một lần, được hoàn tiền khi kết thúc;
- 2 tỷ đồng đóng trọn gói một lần, không hoàn tiền khi kết thúc;
- Đóng theo tiến độ từng năm.
Có 900 phụ huynh đóng 3 600 tỷ đồng theo phương thức 1, và 442 tỷ đồng gói không hoàn lại, tổng cộng 4.042 tỷ đồng [1].
Không phải ai cũng sẵn tiền, nhiều người đã phải cầm cố tài sản để vay tiền cho con theo học. Nhưng số tiền khổng lồ 4.042 tỷ đồng nói lên sự hy sinh phụ huynh Việt Nam vì tương lai con cái, muốn cho con theo học trong một môi trường giáo dục tiến bộ.
Theo một thống kê gần đây, chỉ tính riêng top 10 nước là điểm lựa chọn của du học của học sinh Việt Nam, thì Úc đứng đầu 41 000 học sinh, tiếp theo là Hoa kỳ (29 000), Canada (21 000), Đài Loan (17 500), Nhật (15 000), Hàn Quốc (14 000), Vương Quôca Anh (12 000), Trung Quốc (11 300), Singapore (9 000), Đức (7 500). Tổng cộng 177 300 du học sinh.
Theo một nguồn khác [2] thì top 3 các nước được học sinh Việt Nam lựa chọn là Nhật Bản (44 100), Hàn Quốc (25 000), Mỹ (23 100). Nhưng ở tất cả các nguồn đều chung khẳng định Việt Nam có số lượng du học sinh đứng số 1 trong các nước Đông Nam Á. Việt Nam có số lượng du học sinh lớn hơn gấp đôi Indonesia là nước đứng thứ 2, và hơn gấp 4 lần Thái Lan.
Dẫn ra các con số trên để thấy phụ huynh Việt Nam đã phải đổi một giá đắt để cho con cái được theo học ở các nước có nền giáo dục tốt.
2. “Ô NHIỄM” MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC
Tại sao, dù mức sống thấp, mà phụ huynh Việt Nam tìm mọi biện pháp để cho con được học ở trường quốc tế, được du học ở nước ngoài - với một chi phí đắt đỏ?
Áy là vì nền giáo dục trong nước, không chỉ lạc hậu mà còn bị “ô nhiễm”.
Nói đến “ô nhiễm” môi trường giáo dục ở đây là muốn nói đến tác động tiêu cực từ xã hội lên môi trường giáo dục. Chúng rất đa dạng. Mà nặng nhất là tham nhũng. Tham nhũng là quốc nạn.
Giáo dục không thể nào né tránh được tham nhũng. Trong tham nhũng, có lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm thể hiện dưới nhiều hình thức. Trong số đó có thông qua quảng cáo và bán hàng trong các trường học phổ thông.
3. CHỈ CÓ Ở NƯỚC TA
Chỉ có ở nước ta, một hãng sản xuất mới “khiến” cả hàng triệu học sinh tham gia quảng cáo gián tiếp cho một vài nhãn mác sản phẩm của hãng. Hiện tượng này xảy ra không chỉ một lần. Mới đây nhất là trường hợp Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP).
Dưới các tiêu đề rất đẹp: “Thiếu nhi Việt Nam – Học tập tốt, rèn luyện chăm”, “Tuổi trẻ Việt Nam – rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai”, ngày 14/12/2023, Hội đồng Trung ương Đội TNTP (thuộc Trung ương Đoàn) đã ban hành văn bản số 304 hướng dẫn tham gia sân chơi đồng diễn sân trường trên toàn quốc với các nội dung liên quan đến các phẩm Kun và Lof Malto của IDP [3,4], cụ thể như sau:
- Đối với khối Tiểu học: “Cùng Kun vận động mỗi ngày” .
- Đối với khối THCS: “Đồng diễn sân trường cùng Lof Malto”.
- Hình thức tổ chức: Trực tuyến thông qua Video clip [3,4].
Chương trình được tổ chức theo nhiều vòng từ cấp tỉnh cho tới chung kết toàn quốc. Để tham gia các vòng thi, học sinh phải luyện tập nhiều lần, nhiều ngày. Danh mục các bài nhạc cho phần đồng diễn là các tác phẩm liên quan đến sản phẩm Kun và Lof Malto. Cụ thể:
- Đối với khối Tiểu học là: Cùng Kun vận động mỗi ngày; Chiến binh xanh; Cùng Kun rèn luyện mỗi ngày; Chiến binh Kun bảo vệ môi trường; Cùng Kun chào ngày mới; Đam mê; Ai cũng là siêu nhân; Kun học tốt; Kun nhất quả đất màu xanh; Cùng Kun học tốt mỗi ngày…
- Đối với khối THCS là: Đi yêu mọi người cùng Lof Malto; Khi nào mình lớn - Lead with Lof …
Video clip của đơn vị tham gia đăng trên website và chia sẻ rộng rãi lên các nền tảng truyền thông.
Như vậy, hàng triệu học sinh Tiểu học và THCS trên toàn quốc đã tham gia đề cao sản phẩm Kun và Lof Malto của công ty IDP trong suốt nhiều tháng trời.
Có nước Tư bản nào mà một công ty sữa lại khiến hàng triệu học sinh Tiểu học và THCS trên toàn quốc tham gia quảng bá sản phẩm như vậy?
Chỉ có ở Việt Nam!
Chỉ có ở Việt Nam, qua hệ thống Đoàn, Đội trên toàn quốc, bằng công văn “chỉ đạo”, mới “động viên” được hàng triệu “quần chúng” tham dự như vậy. Ở phương diện này, Việt Nam có “ưu thế tuyệt đối” so với các nước TBCN phát triển.
Tiến hành một “chiến dịch” sâu rộng ở các trường Tiểu học và THCS trên toàn quốc như vậy, học sinh được gì? Và IDP phải mất bao nhiêu chi phí?
4. CHẤM DỨT CÁC HOẠT ĐỘNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC LÊN MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC
Với trường hợp sữa Kun và Lof Malto của IDP, học sinh phải mất rất nhiều thời gian tập luyện và tham gia nhiều vòng thi trong nhiều tháng. Nhưng kết quả của các em thu được là gì?
- Có được thêm tiền không? Không
- Có luyện được tài không? Không.
- Có rèn thêm đức không? Không.
- Có thêm được kiến thức không? Không.
- Tăng tiến sức khoẻ ư? Có nhiều biện pháp khác làm gia tăng sức khỏe nhanh hơn, mà lại mất ít thời gian hơn.
Các cuộc thi đồng diễn tập thể trên toàn quốc qua nhiều vòng, tốn kém thời gian mà không mang lại lợi ích gì đáng kể. Hội đồng Đội Trung ương cũng như Trung ương Đoàn nên có những tác nghiệp khác, mang lại nhiều lợi ích hơn cho thiếu niên và cho sự nghiệp của các cháu trong tương lai.
Tuổi thiếu niên tràn đầy sức sống, trí não còn tinh khôi, trẻ trung, sức tiếp thu nhanh, sức sáng tạo lớn, nên phải biết tiết kiệm mà không hoang phí.
Bộ GD& ĐT không thể không xem xét trách nhiệm khi để xảy ra các hoạt động quảng cáo gián tiếp trong trường học, gây tác động tiêu cực lên môi trường giáo dục. Bộ GD& ĐT cần có những biện pháp thiết thực để chấm dứt các hoạt động làm lãng phí thời gian và trí tuệ của học sinh.
Quan trọng hơn, là để không lặp lại trong tương lai. Các bậc phụ huynh “cố công kiệt sức” cho con theo học ở các trường quốc tế và ở nước ngoài, cũng một phần là vì để tránh các hoạt động tiêu cực, làm “ô nhiễm” môi trường giáo dục.
TS Nguyễn Ngọc Chu