Một phụ nữ đang dỗ dành một bé trai trong cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Ukraine
Bỏ phiếu chống Nga để bảo vệ chính mình
Tại đây, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã bày tỏ lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của LHQ đồng thời kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán.
Bà Nataliya Zhynkina, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam khi trả lời BBC Tiếng Việt hôm 28 tháng 2 cho rằng “chúng ta nên sát cánh cùng nhau để không cho phép Nga phá vỡ trật tự thế giới hiện có”. Bà Nataliya qua đó, mong chính phủ Việt Nam sẽ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng LHQ do Albania và Hoa Kỳ đưa ra vào ngày 2 tháng 3 nhằm lên án hành động xâm lược của Nga với Ukraine vì vi phạm điều khoản của Hiến chương LHQ.
Ông Đinh Kim Phúc, một người từng dạy môn lịch sử và quan hệ quốc tế; người quan sát và bình luận chính trị trước tình hình trên nhận định rằng, Việt Nam phải rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm qua vụ Ukraine. Ông nêu ví dụ:
“Thí dụ như trường hợp Singapore. Đây là đất nước tách ra liên bang Malaysia để lập quốc vào năm 1965 trong lúc Mao Trạch Đông coi người Hoa ở hải ngoại là đạo quân thứ năm để thực hiện chiến lược toàn cầu của Trung Quốc lúc bấy giờ. Khi Singapore lập quốc thì gần 70% công dân nước này là hậu duệ của người Hoa. Chính vì vậy mà Malaysia, Indonesia và Mindanao của Philippines xem Singapore là con ngựa thành Troy của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Họ nghĩ Singapore có thể là nước nối tiếp để cộng sản Trung Quốc bành trướng xuống khu vực Đông Nam Á. Do đó, họ có sự nghi kỵ Singapore.
Chính vì cội nguồn và bối cảnh lịch sử như vậy, khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1979 và ở đó 10 năm, Singapore là nước lớn tiếng nhất chống Việt Nam xâm lược Campuchia. Lên án Việt Nam hàng ngày, hàng giờ trên phương tiện truyền thông cũng như tranh luận quốc tế trong khi Singapore là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam lúc bây giờ. Singapore cũng là cửa ngõ để Việt Nam buôn bán giao thương với phương Tây trong điều kiện Mỹ cấm vận.
Vậy câu hỏi đặt ra là phải chăng Singapore ghét Việt Nam, thương Khmer Đỏ? Câu trả lời là không! Chỉ vì Singapore không muốn tạo ra một tiền lệ ở Đông Nam Á, là lực lượng của quốc gia này tiến công vào quốc gia khác có chủ quyền, là thành viên LHQ.”
Theo ông Đinh Kim Phúc, Việt Nam cần bỏ lá phiếu ủng hộ về tiến trình hòa bình cho Ukraine; lên án tất cả các cuộc xâm lược trên thế giới và kêu gọi tất cả các nước phải tuân thủ hiến chương LHQ, tuân thủ công pháp quốc tế.
Không chỉ để bảo vệ Ukraine mà lá phiếu của Việt Nam theo ông Đinh Kim Phúc còn để thể hiện Việt Nam bảo vệ cho chính mình trước âm mưu của phương Bắc.
Hợp tác với Mỹ và phương Tây
Cùng nhìn nhận về chiến sự Ukraine nhưng phân tích về tình hình Việt Nam, Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định có những điểm khác biệt. Ông nói:
“Điểm khác biệt thứ nhất, đó là Nga có thể tấn công vào trong lãnh thổ của Ukraine nhưng Trung Quốc sẽ không tấn công vào lãnh thổ của Việt Nam. Vì nếu Trung Quốc làm giống như Nga thì Trung Quốc sẽ bị thế giới tẩy chay, giống như là trường hợp của Nga.
Điểm khác biệt thứ hai, theo nhận định cá nhân của tôi, Trung Quốc không có ý định tấn công Đài Loan mặc dầu sẽ tăng áp lực lên Đài Loan rất là nhiều. Nếu như có những tiến triển thuận lợi thì Trung Quốc có thể chớp nhoáng tấn công các đảo ở Trường Sa của Việt Nam, là chủ yếu.
Nhưng trong trường hợp quần đảo Trường Sa thì không có một quốc gia nào trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, công nhận chủ quyền của bất cứ nước nào hết. Do đó, nếu có sự phản ứng của thế giới, thì họ chỉ nhân danh cái quyền tự do hàng hải và họ không chấp nhận cái nguyên tắc gọi là dùng vũ lực để mà giải quyết những cái vấn đề tranh chấp giữa hai quốc gia. Điều đó là điều duy nhất mà họ có thể làm. Còn ngoài ra, họ không thể nào làm được gì hết. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa Ukraine và Việt Nam.”
Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, tình hình chiến tranh hiện nay ở Ukraine là cơ hội cho Việt Nam chuyển đổi sự lệ thuộc trong mối quan hệ chính trị, ngoại giao và quân sự với Nga sang sự hợp tác với Mỹ và phương Tây. Ông nhắc lại hồi năm 2016, cựu Tổng thống Obama trước khi tới Việt Nam đã ký bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, mở đường cho mối quan hệ về quân sự sâu rộng với Việt Nam. Nhưng sáu năm qua vẫn ở mức vô cùng khiêm tốn. Luật sư Khanh kết luận:
“Dầu có hay không một giải pháp hòa bình với Nga trong cuộc chiến với Ukraine thì Nga vẫn đứng bên lề thế giới ít nhất trong năm năm tới. Đây là cơ hội tốt nhất cho Việt Nam tiếp cận với Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh cho Việt Nam.”
Nhiều người Việt Nam trong những ngày qua lên tiếng ủng hộ Ukraine bằng nhiều hình thức. Hôm 26 tháng 2, một số công dân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cùng ký một ‘Thư ủng hộ nhân dân Ukraine’ gửi đến bà Nataliya Zhynkina - Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam.
Bức thư do Lập Quyền Dân; Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập; Diễn Đàn Xã hội dân sự; Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh; Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng khởi xướng. Trong đó có đoạn:
“Là một đất nước phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh cho tới tận cuối thập niên 1980, người Việt Nam chúng tôi thấu hiểu cái giá mà Ukraine phải trả để giữ vững được chủ quyền và nền dân chủ của mình trước chủ nghĩa bá quyền PUTIN. Chúng tôi kiên quyết lên án hành vi xâm lược trắng trợn của PUTIN vào Ukraine và hoàn toàn ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân và chính phủ Ukraine.
Chúng tôi cũng hiểu rằng bảo vệ Ukraine lúc này không chỉ là bảo vệ hòa bình mà còn là bảo vệ một nền dân chủ non trẻ vừa mới thoát ra khỏi quá khứ độc tài. Là những người yêu chuộng tự do, chúng tôi luôn đứng bên cạnh nhân dân Ukraine để gìn giữ nền dân chủ của các bạn.”
Nga hiện là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Trong khi đó, Ukraine là nguồn cung cấp thiết bị quân sự chính cho Việt Nam, đóng vai trò trong việc giúp Việt Nam nâng cấp và hiện đại hóa quân đội.
Nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng, Việt Nam đang ở thế khó xử khi lên án Nga trong cuộc chiến mà quốc tế cho rằng ‘phi lý và vô nghĩa’ hiện nay.
Nguồn: RFA