Đề xuất nâng mức phạt giao thông lên 200 triệu đồng của một đại biểu Quốc hội đang gây bức xúc dư luận. Người dân đặt câu hỏi: Luật pháp là để răn đe hay để trừng phạt tài chính? Quốc hội là nơi vì dân hay vì ngân sách?

1 Dung Bien Quoc Hoi Thanh Chiec May Atm Tu Tui Tien Cua Dan

Mỗi kỳ họp Quốc hội, người dân lại thấp thỏm không yên. Không phải vì kỳ vọng vào những chính sách đột phá, mà bởi nỗi lo: lại có thêm một sáng kiến nào đó khiến ví tiền của họ “mỏng” đi.

Mới đây, tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Xuân — thiếu tướng công an, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk — đã khiến dư luận dậy sóng khi đề xuất nâng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đối với cá nhân lên đến… 200 triệu đồng.

Vâng, quý vị không nghe nhầm. Hai trăm triệu đồng — tương đương gần hai năm thu nhập trung bình của người Việt — chỉ để xử lý một lỗi vi phạm giao thông.

Bà Xuân không nói đùa. Nhưng dân thì không thể cười nổi.

Không bàn đến yếu tố pháp lý, tính hợp hiến hay khả thi, chỉ riêng phản ứng từ cộng đồng mạng đã cho thấy sự phản đối gần như tuyệt đối: hơn 450 bình luận chỉ trong chưa đầy 24 giờ, không một lời ủng hộ.

Hiếm có đề xuất nào tạo ra sự đồng thuận rộng khắp như vậy — khi người dân cùng lên tiếng:

Đủ rồi! Đừng nhân danh luật pháp để "móc túi" lòng dân nữa!

Người ta tự hỏi, liệu bà đại biểu có từng thấy cảnh một tài xế xe ôm công nghệ ăn vội ổ bánh mì nguội ngắt bên vỉa hè?

Có từng chứng kiến những người nông dân đội nắng 37 độ giữa chợ quê, ngồi bán dưa mà rơi nước mắt vì ế ẩm?

Hay một người khiếm thị bám gốc cây cả ngày để bán vài tờ vé số, vẫn cố gượng cười cho vơi đi cái nghèo?

Rất có thể là không.

Bởi bà sống trong một thế giới khác — nơi đại biểu được trả lương, có phụ cấp, xe công, phòng máy lạnh và micro để phát biểu về... túi tiền của người khác.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà việc vượt đèn đỏ có thể bị phạt gấp đôi hành vi phá hoại môi trường. Sai làn đường có thể khiến cả năm nghèo túng, trong khi phá rừng hay xả thải chỉ cần… xin lỗi.

Một nền pháp luật không xuất phát từ thực tế cuộc sống, không đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, sẽ sớm chỉ còn nằm trên giấy. Khi luật xa rời đời sống, thì chính quyền càng kêu gọi “chấp hành nghiêm chỉnh”, người dân lại càng né tránh, hoặc tìm cách lách luật.

Với cương vị thiếu tướng ngành công an, bà Xuân hẳn biết rõ: pháp luật không thể chỉ dựa vào sự sợ hãi.

Người dân tuân thủ luật không phải vì bị dọa phạt thật nặng, mà vì họ thấy được sự công bằng, hợp lý và tính nhân văn trong từng điều khoản.

Đề xuất của bà không mang tinh thần lập pháp. Nó giống một cú “dằn mặt tài chính” hơn là góp phần xây dựng xã hội văn minh.

Và cũng xin nhắc lại một điều căn bản: Quốc hội không phải là chiếc máy ATM của bộ máy công quyền — nơi mà mỗi kỳ họp lại rút ra thêm một “sáng kiến” để rút tiền của dân. Làm luật mà không xuất phát từ cuộc sống và vì lợi ích của nhân dân, thì tốt nhất… đừng làm nữa.

Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC