Trẻ em nhận giấy khen (Ảnh: minh họa) |
Thông tin trên giấy khen ghi một trường tiểu học thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Đáng chú ý, đó là giấy khen của một học sinh lớp 5 đạt thành tích “xuất sắc”, năm học 2018 - 2019, nghĩa là đến nay nếu còn đi học, học sinh này mới chuẩn bị lên lớp 9.
Tờ giấy khen bị vứt bên đường (Ảnh: Lê Thu) |
Là người nhiều năm trực tiếp dạy học và chưa có khi nào ngừng quan sát việc dạy, việc học, việc thi, việc chấm điểm, khen thưởng, cá nhân tôi thấy việc đánh giá chất lượng và khen thưởng thiếu chính xác đang trở nên phổ biến. Điều đó gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho nền giáo dục, và không thể không chấn chỉnh.
Đối với các thế hệ trước, cách nay khoảng 20 năm thôi, thì những tờ giấy khen như thế là cả một niềm tự hào của không những học sinh được khen mà còn là của gia đình, họ tộc. Khi được nhận, giấy khen sẽ luôn được giữ gìn cẩn thận và treo ở những vị trí trang trọng trong nhà. Thậm chí, nhiều người thuộc thế hệ 7X, 8X đến nay còn giữ những tấm giấy khen ấy.
Chúng tôi còn nhớ, ngày xưa đi học cả lớp khoảng 40 - 50 học sinh thì nhiều lắm là được 1 - 2 đứa đạt danh hiệu học sinh giỏi, và thêm dăm đứa nữa đạt học sinh tiên tiến. Xã tôi, huyện tôi nổi tiếng là đất học của xứ Thanh, nhưng có những năm cả lớp không ai đạt học sinh giỏi (tổng kết trên 8.0 điểm).
Cái học của thời trước tất nhiên là còn nhiều hạn chế nhưng riêng việc đánh giá thì vẫn rất nghiêm túc, khách quan và thực chất. Chính vì thế, những học sinh đạt danh hiệu tiên tiến hay học sinh giỏi là những đứa thật sự có năng lực học tập tốt, và phải nỗ lực, cố gắng mới có thể đạt được những danh hiệu đó. Chính vì thế, sự trân trọng, giữ gìn và cả tự hào nữa cũng là điều dễ hiểu.
Nay, nhìn tờ giấy khen của một học sinh lớp 5 bị vứt nằm lẫn với đồ đồng nát bên vệ đường, không khỏi buồn lòng và suy nghĩ.
Giấy khen được phát đại trà. Thậm chí cả lớp đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngày xưa, học sinh giỏi luôn là thiểu số thì bây giờ học sinh không có giấy khen mới là trường hợp bất thường.
Việc phát giấy khen đại trà như thế có nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy lại cũng vẫn là câu chuyện của bệnh thành tích, mà nhiều người đã lên tiếng đính chính là “bệnh giả dối” chứ không phải bệnh thành tích. Áp lực và chỉ tiêu thành tích đã khiến giáo viên và nhà trường “phóng bút” cho điểm. Có những phụ huynh đã hết sức ngạc nhiên khi con em mình mang giấy khen về nhà, vì họ biết rõ con em mình sức học thế nào.
Tình trạng lạm phát giấy khen, tức là lạm phát danh hiệu, lạm phát thành tích đã gây ra một cuộc “khủng hoảng thừa”. Không ai rõ về năng lực của học sinh hơn chính họ và gia đình họ, khi khen đúng thì có tác dụng kích thích, động viên và tạo nên thi đua lành mạnh trong học tập, còn nếu khen sai thì phản tác dụng, thậm chí gây tai họa.
Tờ giấy khen bị vứt bên đường này chính là một trong những biểu hiện của sự tai hại ấy. Chúng ta phải nhớ rằng bản tính của con người là luôn có xu hướng bảo vệ và vun vén cho cái tôi của mình, kể cả việc chấp nhận và tạo tác những hành vi giả dối, sai lầm. Nhưng đó chỉ là trong hoàn cảnh mà trắng đen nhập nhèm, thật giả lẫn lộn, và tỷ trọng của cái đúng, cái tốt còn cao hơn cái sai, cái xấu. Một khi ranh giới ấy đã bị vượt qua, những hư giả trở thành đại trà và áp đảo thì nhu cầu che đậy cũng vì thế mà mất đi vì không còn cần thiết nữa.
Hành vi vứt tờ giấy khen ra đường không phải chỉ do ý chí của bản thân học sinh nếu gia đình và xã hội còn coi trọng nó. Hình ảnh này đã phản ánh một sự “đồng thuận” trong đánh giá và nhìn nhận mang tính cộng đồng. Điều ấy cũng có nghĩa là một sự xuống cấp nghiêm trọng của những thước đo và các chuẩn mực giá trị.
Nền giáo dục đang bị phá hoại bằng những đánh giá không thực chất do sự chi phối của căn bệnh hám thành tích và ưa hình thức giả dối. Nó tác động một cách sâu sắc vào nhận thức của người học và toàn xã hội. Một khi mà sự khen chê không đúng do xuất phát từ động cơ xấu xí được công nhiên diễn ra và trở thành điều bình thường thì dẫn đến loạn chuẩn, loạn giá trị. Lúc này, trường học, nơi giáo dục con người, đã bị biến thành nơi phá hủy nhân cách của họ một cách sâu sắc nhất.
Thầy cô, nhà trường là nơi đại diện cho các giá trị chuẩn mực, nếu bỗng biến thành nơi sản xuất, thừa nhận và bảo vệ những hư dối, bất công thì sẽ đào tạo ra con người nào nếu không phải là con người hư hỏng, dối trá?
Bằng những cách khen thưởng mà hiểu rộng là đánh giá năng lực phẩm chất của người học một cách sai lầm/sai trái như thế, giáo dục sẽ hủy hoại “trung tâm” của nó là người học; đồng thời, tự hủy hoại chính mình, từ đó mà phá vỡ các nền tảng tri thức, đạo đức và luân lý vốn là sứ mạng kiến tạo của nó.
Tờ giấy khen bị vứt ra đường cùng với mớ đồng nát này là một lời nhắc nhở và cảnh báo thống thiết, sâu sắc đối với ngành giáo dục nói riêng và nhà nước nói chung trong việc tự thăm khám cho chính mình để mau chóng chạy chữa, tránh để đến lúc quá muộn mà thành vô phương.
Nhà báo Thái Hạo