Hẳn trong lòng mỗi người từng đặt chân đến Hà Nội đều có một hình ảnh về Hà Nội khuất sâu trong lòng, có lẽ xốn xang, có lẽ thanh lịch...

TINTUCVIETDUC.DE xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Bạch Văn Thủy từ Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh

Đối với những người chỉ thăm lướt qua thành phố Hà Nội, có lẽ ấn tượng nhất là về hình ảnh giao thông chen chúc xen lẫn xe máy và ô tô, những tòa nhà dân cư cao thấp khác nhau, những con phố đầy bóng cây cao to, 36 phố phường sầm uất náo nhiệt, nhưng đối với những người biết tiếng Việt có cơ hội tiếp xúc với người dân Hà Nội mà nói, chúng tôi vẫn thích hướng về Hà Nội thanh lịch ngày xưa.

Tất nhiên, sự phát triển của thành phố không cho phép Hà Nội dậm chân tại chỗ. Vì vậy, đối với người nước ngoài vẫn còn nhiều không gian tưởng tượng về Hà Nội thanh lịch. Sau đây xin giới thiệu với các bạn bài viết "Nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch".

Nét văn hóa của người Hà Nội thanh lịch - 0

NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI HÀ NỘI THANH LỊCH

Có bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao với mảnh đất Kinh kỳ, người ta nhắc nhiều đến ngày xưa như vậy? Phải chăng người con xứ đế đô ngàn đời chỉ còn có thể tự hào vì những điều đã thuộc về quá khứ, thứ mà người ta khó tìm thấy ở hiện tại.

Dường như cái ngày xưa ấy mới là nét riêng có không thể pha lẫn của đất Hà Thành. Như thể Hà Nội xưa với Hà Nội bây giờ khác xa nhau lắm, như thể cuộc sống đang diễn ra trên mảnh đất rồng thiêng ngày hôm nay vốn không phải thuộc về nó.

Hà Nội mà ta vẫn biết trong văn thơ và sách vở có lẽ khác nhiều lắm với những gì ta thấy hôm nay. Người Hà Nội bao đời vẫn tự hào với lời ngợi khen:

"Không thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".

Nét Tràng An ấy được khắc họa qua hình ảnh người Hà Nội đầy văn hóa. Bức tranh về Hà Nội xưa được hình dung qua những nét vẽ đẹp đẽ vô cùng: Nơi mà ở đó, nam hay nữ khi ra đường đều khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống, dáng vẻ lịch thiệp, khoan thai; Nơi mà người ta nói chuyện với nhau nhẹ nhàng như hơi thở dịu dàng, lúc nào cũng lễ phép, kính nhường; Nơi mà dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng không so đo, kì kèo, không giận hờn, quát tháo.

Thành phố lặng lẽ, êm đềm, cuộc sống dịu dàng quá đỗi. Bởi vậy mà tôi vẫn cho rằng cái chữ "thanh lịch" dùng khi ấy thật đúng lắm. Nhiều lần tôi cứ suy tư: có phải nét đẹp văn hóa của người Hà Nội chỉ còn là quá khứ một thời, niềm tự hào không chỉ của riêng con người mảnh đất kinh đô mà của cả dân tộc giờ đã thành ký ức, để mỗi khi nhắc nhớ về nó, ta không khỏi chạnh lòng luyến tiếc.

Cho đến một ngày, tôi được cô bạn cùng lớp tên Hạnh mời về nhà chơi. Thú thực ban đầu tôi nhận lời phần nhiều vì mọi người giới thiệu: "cậu thích gặp người Hà Nội gốc thì đến nhà Hạnh ấy". Và cũng chính vào khi ấy, tôi bắt gặp hình ảnh những con người Hà Nội thanh cao mà mình hằng biết đến qua trang sách, vẻ đẹp ấy hiện diện trong một gia đình không lấy gì làm giàu sang. Nét Tràng An toát lên ngay tại chính từ lời ăn tiếng nói, từ văn hóa ứng xử ngày thường của người Hà Nội.

Khi có khách tới chơi nhà, họ ân cần hỏi thăm, trong nhà có đồ gì ngon đều lấy ra mời khách. Họ duy trì lối sống rất giản dị, khiêm nhường, lối ứng xử, giao tiếp ân tình, mộc mạc, niềm nở. Bữa cơm ngày hôm đó không thực sự thịnh soạn, đủ đầy nhưng cách mọi người thể hiện trên mâm cơm thật khiến tôi nể trọng. Vào bữa cơm, con cháu lần lượt mời từ trên xuống, ai cũng ăn uống nhỏ nhẹ, từ tốn. Ông bà gắp miếng ngon cho khách rồi cho các cháu, bố mẹ lại gắp thức ăn cho ông bà.

Trong bữa ăn, mọi người chỉ nói về những câu chuyện vui vẻ. Ai cũng để ý xem thức ăn có hợp khẩu vị với tôi không, lúc tôi vừa ăn hết cơm thì đã có người đưa tay để xới thêm bát nữa. Khi tôi chưa xong bữa thì cũng không có ai đứng dậy khỏi mâm để tránh làm tôi ngại. Thật chân tình và văn hóa lắm!

Nét văn hóa của người Hà Nội thanh lịch - 1

Người dân xứ kinh kỳ trọng tình làng nghĩa xóm, hiểu rõ tầm quan trọng của sự cố kết cộng đồng làng xã. Họ luôn có ý thức tạo lập, củng cố và thắt chặt những quan hệ ấy, họ nhận thức rõ sức mạnh của khối cộng đồng được gắn bó bởi sợi dây tình cảm. Người Hà Nội lấy chữ tình làm nguyên tắc ứng xử, luôn biết trọng danh dự và chữ tín. Trong giao tiếp ngày thường, họ quan tâm, hỏi han đến người khác, nhưng tuyệt nhiên không đàm tiếu, bình luận về chuyện của xóm giềng.

Họ giúp đỡ nhau nhiệt tình, chân thật, không vụ lợi, tính toán. Đã là người dân Hà Thành thì không quản là cô bán hàng rong trên phố hay công nhân, viên chức, ta đều có thể dễ dàng nhận ra họ qua những nét ứng xử đẹp đẽ, thanh tao.

Họ sẽ không bao giờ quên nói lời cảm ơn khi nhận được sự hỗ trợ, càng không quên nói câu xin lỗi vì phải cắt ngang lời ai đó. Người con gái xứ đế đô thùy mị, nết na, kín đáo từ cách ăn mặc đến lối cư xử, không khiến người khác phật lòng. Bảo sao lắm kẻ mê đắm con gái Hà Thành đến vậy!

Có người đã nói người Hà Nội thanh lịch khi xưa ấy là tiểu tư sản lỗi thời, cuộc sống hiện tại không cho phép chúng ta sống chậm rãi để mà từ tốn, nhỏ nhẹ. Kỳ thực, chính nét Tràng An ấy đã hun đúc nên một nền "văn hóa Thăng Long" rất riêng, rất đáng tự hào của thủ đô.

Ở những gia đình người Hà Nội gốc, chất văn hóa vô cùng tự nhiên đã ngấm sâu vào máu của mỗi cá nhân, truyền từ đời này sang đời khác. Cuộc sống đô thị hiện đại đã ít nhiều làm mai một đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của Hà Nội xưa, người ta chỉ nhận ra "Nét Tràng An" ở mỗi nếp nhà của người Hà Nội gốc.

Dẫu cuộc sống có vội vã, bon chen thì người Tràng An vẫn gìn giữ, bảo tồn nét thanh lịch ngàn đời. Và dù xã hội có phát triển đến đâu đi chăng nữa, mỗi chúng ta dẫu có phải là người dân đất kinh kỳ hay không, hãy luôn giữ nét văn hóa đáng trân trọng ấy, giữ từ những điều giản dị nhất, từ lời ăn tiếng nói, hãy cứ mộc mạc, ân tình, hãy dùng tình cảm để làm nguyên tắc cư xử với nhau. Bởi suy cho cùng, những nét Hà Nội nhất cũng là những nét văn hoá đặc trưng nhất của người Việt chúng ta.

Gìn giữ hôm nay, để ngày mai ta không phải với vọng nó trong miền ký ức về một thời đã qua. Hà Nội sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, nhưng nét văn hóa Hà Thành thì vẫn luôn còn lại mãi với thời gian.

Bài viết "Nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch" đã gợi ý nhiều điều cho chúng ta về Hà Nội thanh lịch, bạn đánh giá thế nào về bài này? 

Bạch Văn Thủy - Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC