Sao lại không còn tăm hợi Bộ giao thông vận tải?
1. Cơ thể con người, dù bé lớn, đều có các cơ quan và cấu trúc vận hành giống nhau.
Không thể nói, trẻ em ít cân hơn, thấp bé hơn thì phải ít cơ quan hơn.
Đối với quốc gia cũng tương tự. Dù bé lớn, cấu trúc vận hành về cơ bản có nhiều điểm giống nhau. Nhưng không thể rập khuôn, rằng nước lớn có bao nhiêu tỉnh, bao nhiêu bộ thì nước bé cũng như vậy.
Cũng không thể giảm trừ theo tuyến tính, rằng một tỉnh nước lớn có diện tích bao nhiêu, dân số bao nhiêu, thì cứ lấy đó mà chia ra khi lập tỉnh cho nước bé.
Canada có diện tích gần 10 triệu km2 nhưng chỉ có 10 tỉnh và 3 vùng lãnh thổ. Trung Quốc hơn 1,4 tỷ dân nhưng chỉ có 23 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc và 2 đặc khu. Theo mô hình Canada và Trung Quốc mà chia tỉnh, thì Việt Nam chỉ có 2 tỉnh (miền Bắc, miền Nam) hoặc 3 tỉnh Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ) là cùng.
Cấu trúc vận hành của một quốc gia, dựa trên lịch sử mà cải tiến, vừa bảo tồn tính kế thừa để giữ được tinh hoa quá khứ, vừa tiếp thu được tiến bộ của nhân loại để tiến về phía văn minh.
2. Nền kinh tế một nước phụ thuộc vào bốn trụ cột cơ bản
Công nghiệp, Nông nghiệp, Thương mại và Giao thông Vận tải (GTVT). Từ ngàn xưa, khi chọn kinh đô cho một quốc gia, đều chú trọng đến vị thế dễ thông thương. GTVT được ví như mạch máu trong cơ thể con người. Thiếu GTVT thì nền kinh tế chết.
Dù thời đại nào, dù tiến bộ công nghệ đến mức nào thì GTVT vẫn là ngành được ưu tiên phát triển hàng đầu.
Lấy thí dụ 7 quốc gia tiên tiến, lớn về nền kinh tế, lớn về diện tích và lớn về dân số là Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ có 15 bộ, Đức có 14 bộ, Anh có 20 bộ và cơ quan chính phủ, Pháp có 16 bộ, Nhật Bản có 14 bộ, Ấn Độ có 58 bộ và các cơ quan chính phủ, Trung Quốc có 26 bộ.
Cả 7 quốc gia này đều có Bộ GTVT:
MỸ:
Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (Department of Transportation - DOT) chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề liên quan đến giao thông vận tải, bao gồm đường bộ, đường sắt, hàng không và hàng hải.
ĐỨC:
Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng (Bundesministerium für Verkehr und digitale Infrastruktur - BMVI) chịu trách nhiệm về giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng liên quan đến vận tải ở Đức.
ANH:
Bộ Giao thông Vận tải Anh (Department for Transport - DfT) là cơ quan chính phủ phụ trách giao thông, bao gồm các phương tiện giao thông công cộng, đường bộ, đường sắt, hàng không và hàng hải.
PHÁP:
Bộ Giao thông và Chuyển đổi Sinh thái (Ministère de la Transition écologique et de la Cohésion des territoires), có trách nhiệm về giao thông, cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững.
NHẬT BẢN:
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch (Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism - MLIT) chịu trách nhiệm về các vấn đề giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng và du lịch tại Nhật Bản.
ẤN ĐỘ:
Bộ Giao thông Vận tải Ấn Độ (Ministry of Road Transport and Highways - MoRTH) chịu trách nhiệm về quản lý giao thông đường bộ và cơ sở hạ tầng giao thông. Ngoài ra, Bộ Hàng không Dân dụng Ấn Độ (Ministry of Civil Aviation - MoCA) phụ trách giao thông hàng không.
TRUNG QUỐC:
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc (Ministry of Transport - MOT) chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến giao thông vận tải, bao gồm đường bộ, đường sắt, hàng không và hàng hải.
Riêng Trung Quốc còn có thêm BỘ ĐƯỜNG SẮT (Ministry of Railways), chuyên trách về ngành đường sắt và các dịch vụ vận tải đường sắt. Lý giải tại sao đường sắt của Trung Quốc phát triển và Trung Quốc đánh giá vai trò của đường sắt quan trọng đến mức nào trong phát triển kinh tế quốc dân.
3. Bỏ tên ngành GTVT trong tên bộ thuộc Chính phủ, không thể biện minh rằng vẫn có ngành GTVT tồn tại trong BỘ XÂY DỰNG.
Bỏ tên Bộ GTVT đơn giản là đánh giá thấp vị trí ngành GTVT.
Là không thấy vai trò TỨ TRỤ của GTVT trong nền kinh tế quốc dân.
Càng không phản ánh được quyết tâm chiến lược xây dựng Đường sắt cao tốc Bắc – Nam cùng các tuyến khác - đường sắt, đường bộ, hàng không và đường thuỷ trong vòng 10 năm tới để dân tộc vươn mình.
Cấu trúc nền kinh tế quốc dân không đơn giản chỉ nghĩ sau vài đêm trong một biên giới hạn hẹp.
Ngoại trừ đó là những bộ óc phi thường.
Nếu chưa biết, thì nhìn vào các nước phát triển hàng đầu.
TS. Nguyễn Ngọc Chu