Gần đây, khi có các vụ việc xảy ra tại cơ quan, đơn vị mình, một số lãnh đạo có những phát ngôn giải thích rất lạ làm cho dư luận nhiều phen giật mình bức xúc.
Gần đây, một cụm từ trở nên thông dụng và được nhiều người đặc biệt là giới quan chức dùng để giải thích một sự cố nào đó vừa xảy ra. Đó là “đúng quy trình”.
Bài viết của tác giả Trần Sơn bình luận về vấn đề này, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Tất cả đều "đúng quy trình"! Ảnh minh họa
Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều sự cố đã xảy ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi được báo chí, dư luận chất vấn về nguyên nhân và trách nhiệm khi để xảy ra các sự cố này, các vị có thẩm quyền thường lặp lại một điệp khúc quen thuộc “đúng quy trình”.
Còn nhớ năm 2012, ông Dương Chí Dũng lúc đó đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines - đơn vị đang bị thanh tra phát hiện có nhiều sai phạm thì ông Dũng lại được bộ chủ quản đề xuất bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Rồi sau đó, khi bị chất vấn, bộ chủ quản trả lời việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là “đúng quy trình”.
Vâng, có thể là đúng quy trình thật, chỉ có không đúng người mà thôi!
Năm 2013, để lọt đến 229 kg ma túy qua sân bay Tân Sơn Nhất sang Đài Loan nhưng Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam vẫn phát biểu xanh rờn: “Chúng tôi kết luận quy trình đã được thực hiện đúng”.
Cũng có thể là người và máy của cơ quan hải quan Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện “đúng quy trình”, chỉ có hơn 2 tạ ma túy này là vượt biên sai quy trình mà thôi!
Tháng 3 năm 2016, một bệnh nhân bị gãy chân được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng nhưng phải đợi 10 ngày sau mới được mổ, sau đó bệnh nhân chết. Vậy mà Giám đốc Bệnh viện vẫn khẳng định rằng: “Đúng quy trình”.
Cũng kiểu “đúng quy trình” này mà một thiếu nữ 16 tuổi ở Đắk Lắk đã phải cưa chân, phải không thưa các bác sĩ “đúng quy trình”?
Vâng, đến cái chết thì cũng có “Những cái chết...đúng quy trình!” như một tít bài trên báo điện tử Dân trí.
Thế mới thấy cái sự kỳ diệu của phương thuốc “đúng quy trình”.
Nó được coi là tấm bình phong cho sự chối bỏ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân khi sai phạm. Đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.Ngoài linh dược “đúng quy trình” các vị quan chức còn có cách lí giải rất lạ khi đơn vị mình xảy ra các “phốt” bị dư luận phanh phui.
Gần đây nhất, trong vụ việc khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào, vị đại tá, Trưởng công an huyện Bình Chánh trần tình rằng do ông “nhận thức sai về quy định của pháp luật”.
Vâng! Một ông đại tá làm đến chức Trưởng công an huyện mà còn hiểu sai về pháp luật, liệu có tin được không?
Nếu đúng là như vậy thì phải xem lại cái chức vụ của ông có xứng đáng với năng lực của ông không? Người đứng đầu ngành công an của một huyện mà hiểu sai pháp luật thì người dân huyện đó bị oan sai cũng là điều tất yếu.
Phải chăng còn có lí do khác, chẳng hạn như ông chủ quán Xin Chào mở quán ngay trước cổng trụ sở Công an huyện Bình Chánh nhưng chưa làm thủ tục “Xin Chào” thổ công ở đây nên dẫn đến bị khởi tố?
Người viết bài này rất đồng ý với quan điểm của vị cựu công an Nguyễn Đăng Quang khi ông muốn truy cứu trách nhiệm hình sự của ông đại tá, Trưởng công an huyện Bình Chánh và cả ông Viện phó Viện kiểm sát Nhân dân huyện này.
Vụ việc “lùm xùm” làm xôn xao dư luận Hải Phòng là ông Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm con trai vào vị trí phó trưởng phòng sai quy định vì không thực hiện lấy ý kiến Đảng ủy Sở và người bổ nhiệm chưa có bằng trung cấp lý luận chính trị.
Tuy vậy, ông Giám đốc cũng trần tình rất lạ là: "Chuyện đó thực ra không lớn, nhiều nơi cũng đã làm”.
Lạ ở chỗ, ông cho rằng bổ nhiệm sai quy định, không đúng tiêu chuẩn, không đúng quy trình cũng chỉ là chuyện “nhỏ như con thỏ” có gì phải “ ầm ĩ”, nhiều nơi cũng đã làm. Hơn nữa, khi biết rõ việc bổ nhiệm trên là sai quy định nhưng Sở Nội vụ Hải Phòng lại không đề xuất thu hồi quyết định bổ nhiệm mà người được bổ nhiệm lại được cử đi học trung cấp lí luận chính trị để đáp ứng yêu cầu vị trí bổ nhiệm.
Phải chăng đây là “đồng bệnh tương lân” ?
Nhà nước đã có các văn bản quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nhưng thực tế khi xảy ra các sự việc sai phạm, tiêu cực rất ít người dám đứng ra nhận trách nhiệm một cách đầy đủ, nghiêm túc.
Họ thường dùng các lí lẽ mang tính ngụy biện hoặc “vòng vo tam quốc” để tránh né, rũ bỏ trách nhiệm.
Người viết nghĩ rằng, đã đến lúc không thể dùng các biện pháp xử lí sai phạm, tiêu cực, đặc biệt là các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân theo kiểu “kiểm điểm nghiêm túc”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” hay “xin lỗi” mà cần phải xử lí quyết liệt, kịp thời, xác đáng, đúng bản chất của sự việc để ngăn ngừa các sự việc tương tự về sau và để lấy lại niềm tin của nhân dân.
Trần Sơn - GIAODUC.NET