Tôi vừa có dịp quay trở lại Phú Quốc sau 10 năm. Những ấn tượng của tôi về "đảo ngọc" của Việt Nam là một vẻ đẹp hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên.
Tôi từng rất mê mẩn với bờ biển xanh, cát trắng và những khu rừng nguyên sinh. Dù thời đó, du lịch nơi đây còn chưa thật sự phát triển, dịch vụ chưa nhiều, những chính cái nét mộc mạc, hoang sơ ấy lại là điểm nhấn khiến bất cứ ai đặt chân đến nơi đây chỉ một lần là nhớ mãi.
Tôi mang theo tình yêu với mảnh đất Phú Quốc suốt ngần ấy thời gian. Trong 10 năm ấy, tôi từng đến nhiều điểm du lịch khác cả trong và ngoài nước, từ Nha Trang, Đà Lạt, Vịnh Hạ Long, Sa Pa, cho tới Thái Lan, Philippines... nhưng dường như không có nơi nào để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm và mong muốn được quay trở lại một lần nữa như Phú Quốc. Vậy là tôi quyết định đặt vé một lần nữa để tới hòn đảo xinh đẹp này.
Lần trở lại này rất khác so với lần đầu tôi đặt chân đến nơi đây.
Một phần vì mọi thứ không còn quá mới mẻ với tôi, thậm chí tôi có thể lên sẵn danh sách những địa điểm phải ghé, lộ trình đi lại thế nào, ăn uống ở đâu...?
Phần khác vì sự háo hức và kỳ vọng trong tôi lớn hơn nhiều so với lần trước vì 10 năm là cả một chặng đường dài. Tôi mong chờ một sự vươn mình mạnh mẽ của Phú Quốc khi được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn và nhận được sự đầu tư khổng lồ về du lịch.
Tuy nhiên, mọi sự háo hức, kỳ vọng của tôi sớm bị dập tắt, và thay vào đó là nỗi thất vọng nặng nề với chuyến đi bốn ngày ba đêm. Phải thừa nhận rằng, Phú Quốc hôm nay đã lột xác hoàn toàn, khoác lên mình một tấm áo mới lộng lẫy, hào nhoáng hơn. Không thể phủ nhận đời sống của người dân nơi đây đã được cải thiện rõ rệt, nhiều nhà cao tầng mọc lên hơn, hàng quán đông đúc hơn, dịch vụ tiện ích không thiếu thứ gì... đúng như tên gọi một hòn đảo du lịch nổi tiếng.
Nhưng bù lại, khi mà những dấu ấn của thời đại mọc lên nhiều hơn, cũng là lúc diện tích dành cho thiên nhiên bị thu hẹp lại. Trên đường từ sân bay về khách sạn, tôi đi qua một con đường ven biển đẹp nhất thị trấn Dương Đông. Thế nhưng, tôi dường như không còn nhìn thấy bờ biển nữa vì bao quanh nó là hàng tá các resort, khách sạn mọc lên như nấm. Chúng dường như phân lô bờ biển, biến thành bãi tắm của riêng mình. Chẳng biết người ta nghĩ gì khi quy hoạch như vậy, nhưng rõ ràng nó đã phá nát thiện cảm ban đầu của du khách.
Chọn một tour tham quan Phú Quốc để tiết kiệm thời gian và hy vọng được đến những địa điểm nổi tiếng nhất hiện giờ, tôi thất vọng thêm lần nữa. Theo lộ trình, tôi được đưa đi thăm nơi làm nước mắm (thực ra là nơi trưng bày, bán sán phẩm thì đúng hơn), nơi làm ngọc trai (cũng chỉ là nơi bán hàng với giá cắt cổ)... nói chung là tẻ nhạt và vô cùng thương mại hóa.
Chọn một tour khác tham quan các đảo nhỏ, tôi chính xác là được tham gia vào một cuộc chạy marathon khi gần như đến đảo nào cũng chỉ "cưỡi ngựa xem hoa" chốc lát rồi lại nhanh chóng bị lùa lên tàu cho kịp thời gian biểu. Kết thúc hành trình, tôi chẳng lưu giữ được chút cảm xúc nào ngoài việc mệt mỏi và vài tấm hình chụp vội cũng chẳng đâu vào đâu.
Thất vọng vì các tour du lịch, tôi tìm đến một vài hàng quán mang dấu ấn địa phương nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ toàn nhà hàng, quán bar theo kiểu Tây hóa. Quán ăn mọc lên chi chít nhưng đi kèm với đó là chất lượng phục vụ tệ đi rất nhiều so với xưa. Giá cả ở Phú Quốc giờ cũng rất đắt đỏ cùng với tình trạng chèo kéo khách du lịch mua đồ hàng rong ngày một nhiều.
Ở Phú Quốc bây giờ, chẳng có cái gì là miễn phí nữa, ngay cả những bãi tắm công cộng.
Muốn tắm biển bây giờ, người ta phải trả tiền phí dịch vụ. Dưới áp lực của du lịch, người ta sẵn sàng biến mọi thứ thành mỏ vàng, tìm cách bòn rút hầu bao của du khách nhiều nhất có thể.
Kết lại bốn ngày trở lại Phú Quốc, tôi thực sự không còn nhận ra mảnh đất xinh đẹp mà mình từng ghé thăm 10 năm trước. Vẻ đẹp hoang sơ đến nao lòng ngày nào giờ được thay bằng bê tông, nhà tầng, dịch vụ hiện đại. Tôi chợt nhớ đến những địa danh du lịch nổi tiếng khác trong nước cũng ở trong tình trạng này như Đà Lạt, Sa Pa. Nói vui, giờ chỉ cần đến một nơi là đủ, chứ đi đâu cũng chỉ toàn nhà là nhà, đâu có cảnh vật thiên nhiên gì mới mẻ nữa đâu mà ngắm.
Việt Nam vốn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều ưu ái.
Chúng ta có đường bờ biển dài và đẹp hàng đầu thế giới, nhiều hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đồi núi... lẽ ra đó phải là những điểm nhấn để người Việt tận dụng làm du lịch mới phải. Thế nhưng, thay vì định hướng phát triển du lịch khám phá thiên nhiên, người ta cứ đua nhau xây resort băm nát bờ biển, xây khách sạn phá nát cây rừng. Và rồi những địa danh du lịch nổi tiếng giờ cũng na ná nhau, với những khối bê tông khổng lồ chẳng thua gì thành phố lớn.
Đất nước ta ngày một phát triển hiện đại, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, đó là một tín hiệu đáng mừng
. Bản thân du lịch cũng được các địa phương quan tâm hơn lúc nào hết, khi dòng tiền đầu tư đổ vào liên tục. Nhưng chính sự thiếu quy hoạch, cùng một tư duy làm du lịch manh mún, ăn xổi, đã khiến người Việt tự phá đi những dấu ấn riêng của mình. Tôi không biết du khách nước ngoài giờ đây khi đến Phú Quốc, Đà Lạt, Sa Pa có còn lưu lại điều gì và có muốn quay lại lần nữa hay không, nhưng với bản thân tôi, một người Việt chính gốc, cũng đang ưu phiền với du lịch nước nhà.Vũ
Nguồn: VNEXPRESS.NET