Kết quả tổng kết năm nào cũng cao, toàn học sinh khá, giỏi, học bạ đẹp như tranh vẽ, vậy tại sao học sinh vẫn phải học thêm tối ngày?

1 Toan Hoc Sinh Kha Gioi Sao Con Phai Hoc Them

"Bàn về câu chuyện dạy thêm, học thêm đang gây nhiều tranh cãi thời gian gần đây khi Thông tư 29 sắp có hiệu lực, tôi xin có một số chia sẻ để tham gia bàn luận:

Thứ nhất, nhiều năm nay, tôi thường được nghe thấy người ta nói rằng: 'Bọn trẻ bây giờ giỏi lắm, hơn hẳn thế hệ đi trước'. Nếu đúng vậy thì tại sao chúng ta còn bắt các em đi học thêm?

Thứ hai, học sinh bây giờ học thêm tối ngày. Vậy nên, tôi không biết các cháu làm bài tập về nhà vào lúc nào?

Thứ ba, nếu quan sát kết quả học tập qua mỗi năm được báo cáo, có thể thấy nhiều nơi ở thành thị phần lớn học sinh của ta đều xếp loại giỏi và xuất sắc, hãn hữu lắm mới có học sinh trung bình. Học bạ ngày nay phần lớn đều đẹp như tranh vẽ, điểm cao chót vót, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

Đến đây thì nghe có vẻ rất logic: học sinh bây giờ giỏi hơn nên điểm số cao hơn. Nhưng kết quả thi tốt nghiệp và đánh giá năng lực hay tư duy đầu vào các trường, lại cho chúng ta một bức tranh khác hẳn.

Tôi tự hỏi tại sao giờ học thêm nhiều thế? Phải chăng do chương trình khó quá? Nhưng kết quả tổng kết hàng năm vẫn cao đấy thôi, toàn học sinh khá, giỏi còn gì. Vậy nói chương trình quá tải có đúng không?

Nếu không phải do chương trình học nặng thì phải chăng do năng lực học sinh kém? Điều đó cũng không đúng vì các cháu ngày nay được nuôi dưỡng chu đáo hơn, nên thể chất sẽ tốt hơn. Ngoài ra, điều kiện và môi trường học tập, lẫn cơ sở vật chất đều hơn hẳn ngày trước nên cơ hội phát triển tư duy của các em phải cao hơn mới phải.

 'Giáo viên biểu quyết học thêm, phụ huynh lớp con tôi đồng ý hết'

Vậy vấn đề là do đâu? Theo tôi, mấu chốt nằm ở chất lượng của đội ngũ giáo viên ngày nay chưa đảm bảo. Với một thầy cô có trình độ đạt chuẩn (chưa phải là giỏi xuất chúng) thì nếu dạy đúng tinh thần và trách nhiệm, hầu như học sinh sẽ phải hiểu bài và không cần học thêm. Một số ít các em có năng lực thấp hơn, có thể chưa hiểu bài ngay tại lớp thì cũng là chuyện bình thường và mới cần học thêm để bổ sung kiến thức (nhưng nên nhớ đó chỉ là thiểu số).

Ngoài ra, một số em khác có nhu cầu nâng cao kiến thức để phục vụ cho mục tiêu lớn hơn của mình, như: kiếm học bổng ở nước ngoài, thi vào trường nổi tiếng, trường chuyên, lớp chọn... mới cần phải học thêm. Tuy nhiên cái học thêm đấy thường là do các thầy cô giỏi phụ trách và học theo một nhóm nhỏ với chương trình khác, chứ không phải là các lớp học thêm đại trà theo kiểu "cả nhà cùng học" như hiện nay được.

Tôi nói điều này vì trong đại gia đình tôi (bốn thế hệ) có một số lượng không nhỏ làm nghề dạy học trong các bậc trung học, đại học. và tôi thường được nghe họ phàn nàn về chất lượng và thái độ nghề nghiệp của không ít giáo viên trẻ hiện nay. Vậy nên, muốn trị tận gốc căn bệnh dạy thêm, học thêm tràn lan, có lẽ chúng ta cần bắt đầu từ căn nguyên khởi phát - chất lượng của đội ngũ giáo viên".

Đó là chia sẻ của độc giả Sangygt xung quanh dạy thêm, học thêm.

Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 14/2, cấm giáo viên thu tiền học thêm với học sinh chính khóa của mình, cấm dạy thêm với bậc tiểu học. Họ cũng có thể không được dạy thêm trong trường vì Bộ chỉ cho trường công dạy thêm miễn phí với ba nhóm: học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh lớp 9 và 12. Nhiều giáo viên loay hoay tìm cách đăng ký kinh doanh tại nhà hoặc "đầu quân" cho các trung tâm dạy thêm.

Việt Thành tổng hợp




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC