Trước việc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đề xuất lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1), nhiều chuyên gia, bạn đọc đã lên tiếng góp ý.
Hiện tại, một bên tuyến đường Lê Lợi vẫn tồn tại hàng cây cũ - Ảnh: LƯU DUYÊN
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, sau khi metro số 1 trả mặt bằng, tuyến đường không thể trồng cây xanh kịp lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Do vậy sở đã đề xuất giải pháp lắp mái che cho vỉa hè rộng 4m vừa che nắng che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại - dịch vụ.
Chuyên gia cân nhắc các phương án
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng chưa thực sự cần lắp thêm mái che cho tuyến đường Lê Lợi.
Theo ông Cương, nếu muốn làm mái che cho đường Lê Lợi thì phải biến con đường trở thành phố đi bộ, lắp mái giúp che nắng, mưa. Xây dựng các khu vực dừng chân nghỉ ngơi cho người đi bộ tham quan, mua sắm hay đến nhà ga. Từ đó cần phải lập thêm các kế hoạch điều chỉnh các tuyến giao thông, phân luồng xe. Vì vậy việc lắp mái che và phát triển không gian đi bộ ở đường Lê Lợi hiện nay là chưa cần thiết.
Chia sẻ về ý kiến lo sợ rễ cây ảnh hưởng đến các công trình khác, tiến sĩ Cương gợi ý: "Việc chọn loại cây, đánh giá độ sâu của rễ sẽ có các kỹ thuật viên đánh giá. Có thể sử dụng các loại bồn thấp. Các tuyến đường lớn có vỉa hè rộng trên 5m như Lê Lợi thì việc trồng các loại cây cao 2-6m như cây bằng lăng, cây móng bò,... là hoàn toàn có thể".
Ông Quang Phú - một người dân thuê mặt bằng để mở cửa hàng trên đường Lê Lợi - nói: "Tôi đồng thuận với việc lắp mái che nhưng đó phải là mái vòm rất đẹp như ở các con phố ở nước ngoài, chẳng hạn như ở châu Âu và Mỹ. Nếu làm mái che vỉa hè theo kiểu tấm bạt đẩy ra đẩy vô như ở nhiều đô thị tại Việt Nam thì sẽ làm mất vẻ mỹ quan, thậm chí một thời gian sau rách tơi tả thì nhìn rất luộm thuộm".
Theo ông Phú, nên trồng cây xanh ở đây ngay từ lúc này, vì vỉa hè khá rộng và bóng cây có thể vươn ra mặt đường, như vậy sẽ rất đẹp thay vì mái che chỉ thêm nóng. Việc các hộ kinh doanh ở đây làm mái che, theo ông, chỉ là tạm thời, chính quyền phải tính giải pháp lâu dài là trồng cây xanh.
Nhiều nhà dân, cửa hàng tự làm mái che trên đường Lê Lợi - Ảnh: LƯU DUYÊN
Đa số bạn đọc không ủng hộ làm mái che
Kết quả khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ Online từ 12h đến chiều 26-3 cho thấy có hơn 78% bạn đọc bình chọn phương án không làm mái che, chỉ có 21,5% ủng hộ làm mái che và 0,4% có ý kiến khác.
Bình chọn của độc giả Tuổi Trẻ Online về việc có nên làm mái che đường Lê Lợi
Trong khi đó, bài báo "Có cần lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi?" là một chủ đề được bình luận sôi nổi nhất ngày 26-3 trên Tuổi Trẻ Online, trong đó đa số ý kiến không đồng ý làm mái che.
Phản hồi bài báo này, bạn đọc Nguyễn Văn Thành viết: "Nếu không thể trồng cây ở tim đường được thì không nên làm mái che. Các kiến trúc sư, chuyên gia nghĩ như thế nào mà nói rằng có mái che đẹp hơn? Còn nắng mưa, trên một đoạn đường ngắn, có khi đó là sự lãng mạn, vẻ độc đáo riêng".
Bạn đọc tên Quốc bình luận: Đường phố toàn là bê tông, nay thêm mái che nhựa chẳng khác nào là cái nồi hấp. Bóng mát tạo bởi tán lá cây luôn mang lại không khí mát dịu vì lá cây hấp thụ ánh sáng mặt trời, còn mái nhựa hay tole luôn phản xạ ánh sáng và phả hơi nóng ra xung quanh.
Bạn đọc nguyen cũng cho rằng: "Sao không phải là cây xanh vừa đẹp vừa thân thiện môi trường, giúp không khí trong lành hơn so với mái che công nghiệp vừa tốn kém chi phí quá lớn, tạo điều kiện tốt cho buôn bán hàng rong mua bán".
Bạn Chúc Đam chia sẻ: "Buổi tối, khi trời mát, bạn thử đi dạo ra con đường này, bạn sẽ thấy bầu trời quang đãng bên trên con đường này quý giá và đẹp đẽ biết bao. Cảm giác như bạn vừa bước chân đến biển và được thả tâm hồn cùng những ước mơ bay cao theo tầm nhìn rộng mở trước mắt vậy. Dịp Tết, tôi đã có trải nghiệm này. Một thành phố quang đãng, sáng sủa, rộng rãi, đẹp tuyệt vời...".
Bên cạnh đó, một số bạn đọc có ý kiến nên làm mái che như một số thành phố trong khu vực hoặc vừa làm mái che vừa trồng cây xanh.
Truong Kiet viết: "Cây xanh không đủ khả năng che mát như mái che vì những cây trồng dọc theo đường ở đô thị trung tâm là không được cao để giảm nguy cơ gãy đổ và bộ rễ ăn sâu, luồn xa vào các tầng ngầm các công trình kiến trúc".
Bạn đọc tran****@gmail.com cho rằng: "Làm cái khung nhiều tầng rồi trồng cây dây leo. Vừa phủ xanh, vừa tránh khả năng bộ rễ cây làm tổn hại tới công trình metro bên dưới. Mái che không thể ngăn bức xạ và hấp thụ nhiệt rất cao, vô tình sẽ tạo ra hiệu ứng nhà kính nặng hơn ở đô thị".
Còn bạn Da Nang nói: "Mái che làm đồng bộ theo quy định sẽ toát lên vẻ hiện đại và sang trọng. Tôi ủng hộ mái che vỉa hè cho các khu phố thương mại, còn cây xanh thì trồng ở công viên, những con đường là khối hành chính, văn phòng, trường học, bệnh viện...
Trồng cây xanh ở những khu phố thương mại, lá cây và gốc cây vướng víu khó chịu, thiếu ánh sáng về đêm. Còn mái che, phải là mái che di động, đêm xuống hay những lúc tiết trời mát mẻ, sẽ kéo vô trong, con đường sẽ thoáng đãng, rộng rãi".
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, vỉa hè đường Lê Lợi mỗi bên trung bình 5,5 - 6m sẽ được đề xuất bố trí mái che nắng, che mưa vươn ra 4m. Vật liệu mái che sẽ sử dụng các chất liệu bền, tiết kiệm chi phí và có màu sắc hài hòa với cảnh quan chung của khu vực.
Kinh phí ước tính sơ bộ bước đầu khoảng 20 đến 30 tỉ đồng bao gồm chi phí vật tư, nhân công, thi công... Nguồn kinh phí này có thể huy động xã hội hóa, nguồn đóng góp từ các hộ kinh doanh có liên quan (được thụ hưởng từ việc lắp mái che) hoặc từ ngân sách địa phương.
Thăm dò ý kiến
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa đề xuất UBND TP phương án làm mái che vỉa hè trên đường Lê Lợi (quận 1) vì không thể trồng cây xanh kịp lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Ý kiến của bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Đồng ý
Không đồng ý
Ý kiến khác
Bình chọnXem kết quả
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online