Vì sao có biệt thự bỏ hoang?
Từ câu chuyện đó nay quay về một vấn đề ở Việt Nam như sau, lâu nay mọi người đã quen với những hình ảnh về những căn biệt thự cao cấp bị bỏ hoang.
Không biết từ khi nào đã xuất hiện những căn biệt thự bỏ hoang, tôi đoán áng chừng đâu đó khoảng mười mấy hai chục năm trước khi mà trong thực tế đời sống bắt đầu xuất hiện các dự án bất động sản do doanh nghiệp triển khai xây dựng sau khi được cấp phép dự án.
Nhiều người mua những căn biệt thự để đầu tư bán lại kiếm lời, họ kỳ vọng vào mức độ tăng giá nhanh chóng của thị trường bất động sản nên không quan tâm đến tính năng sử dụng thực tế của căn biệt thự.
Bởi đó mà xuất hiện những căn biệt thự bỏ hoang, theo thời gian số căn biệt thự bỏ hoang ngày càng nhiều, không chỉ một hai căn mà đã xuất hiện cả những khu đô thị bỏ hoang.
Một khu căn hộ tại Hà Nội - NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Hôm 22/03 báo điện tử VietnamNet có bài ‘Dự án đô thị bỏ hoang nhiều không thể đếm nổi ở Hà Nội’.
Bài báo phản ánh cho biết, các dự án đô thị hoành tráng ở cửa ngõ Hà Nội như Vườn Cam, Lideco, Dương Nội, Nam An Khánh, Mê Linh được xây dựng dở dang hoặc đã xong phần thô nhưng đều phải chung cảnh ngộ bị bỏ hoang ít nhất đã chục năm qua.
Nhiều căn biệt thự cỏ mọc ngập lối vào, dẫu vậy theo giá thị trường thì giá trị mỗi mét vuông biệt thự dao động từ hàng trăm triệu đồng trở lên, tính ra mỗi căn biệt thự có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Ngay khi chứng kiến một căn biệt thự bỏ hoang, nếu là một nhà quản lý người Mỹ đến Việt Nam hoặc bất kỳ ai có tư duy quản lý một chút sẽ đặt câu hỏi rằng tại sao chủ căn biệt thự lại để bỏ hoang gây ra một sự lãng phí của cải xã hội như vậy?
Nguồn tiền giàu có từ đâu và cần áp thuế như thế nào để tránh lãng phí của cải?
Đó là những câu hỏi cơ bản đối với những người có tư duy về quản lý hành chính công, không khó khăn gì để nhìn ra vấn đề, vậy nhưng những căn biệt thự bỏ hoang vẫn tồn tại đâu đó suốt mười mấy năm qua cho thấy đã không có chính sách quản lý điều chỉnh để thay đổi.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Tính cả năm 2022 đã có gần 5 triệu lao động người rút bảo hiểm xã hội một lần trong giai đoạn 2016-2022 tại Việt Nam
Câu chuyện này đặt cạnh một câu chuyện khác là thời gian qua rất nhiều người lao động đã rút tiền bảo hiểm xã hội một lần, số tiền mà trước đó người lao động và người sử dụng lao động đã gửi vào quỹ bảo hiểm xã hội hàng tháng để sau này trở thành nguồn lương hưu cho người lao động.
Nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn cho nên nhiều người đã quyết định rút một lần để có tiền chi tiêu trang trải cuộc sống trước mắt.
Mới đây hôm 28/03/2023 cũng trên báo điện tử VietnamNet có bài ‘Chưa giàu đã già’ phản ánh tình cảnh của đời sống người lao động sau hai năm đại dịch Covid-19.
Bài báo cho biết, để thấy được tình cảnh người lao động sau hai năm đại dịch, có lẽ không nơi nào phù hợp hơn là ở trụ sở bảo hiểm xã hội, từ năm 2021 đến nay, những cơ quan này luôn túc trực hàng dài người lao động thức trắng đêm chờ lấy bảo hiểm xã hội một lần.
Bài báo cung cấp số liệu cho biết, trong hai năm 2020 và 2021, lần đầu tiên số người rút bảo hiểm một lần vượt quá số người tham gia, lần lượt là 761 nghìn và 863 nghìn người.
Tính cả năm 2022 đã có gần 5 triệu người rút một lần trong giai đoạn 2016-2022.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Tác giả cho rằng nhà nước Việt nam cần thực hiện một bộ chính sách để thúc đẩy công bằng xã hội, thu hẹp lại khoảng cách phân tầng giàu nghèo, để xoay chuyển tình thế đất nước tránh rơi vào trì trệ của bẫy thu nhập trung bình
Đó là mức độ nghiêm trọng trong phân cách giàu nghèo trong xã hội, những người giàu có sở hữu nhiều bất động sản đã để bỏ hoang nhiều căn biệt thự đắt tiền, trong khi đó nhiều người lao động có đời sống rất khó khăn.
Điều đó cho thấy đáng tiếc rằng không giống như câu nói của ông Donald Trump trong quản lý hành chính công là cần nhìn vấn đề khi nó còn ở trạng thái ẩn tàng, mà lâu nay nhiều vấn đề đã rất rõ ràng sự bất cập nhưng lại chậm có cơ chế giải quyết.
Đứng trước thực tế đó tôi cho rằng nhà nước cần thực hiện một bộ chính sách để thúc đẩy công bằng xã hội, thu hẹp lại khoảng cách phân tầng giàu nghèo, để xoay chuyển tình thế đất nước tránh rơi vào trì trệ của bẫy thu nhập trung bình.
Một trong số đó là chính sách về thuế bất động sản. Hiện nay luật đất đai đang được bàn thảo sửa đổi, luật thuế bất động sản cũng đang được xây dựng, một lần nữa tôi cho rằng việc áp thuế bất động sản, với một mức thuế suất thỏa đáng, cơ chế thu thuế rõ ràng khả thi, là điều rất quan trọng.
Để không chỉ giải quyết thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản mà còn là điều quan trọng trong quản trị quốc gia và xây dựng đất nước.
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội