“Nếu so với lối sống của người phương Tây, người Việt khá tự do, đôi khi là thiếu kỷ luật, nhưng rất ít người nhận ra điều đó. Chỉ đến khi ra nước ngoài, tiếp xúc với nền văn minh, văn hóa khác, những sự khác biệt này mới dần lộ ra…”
Nói về thói quen, văn hóa ứng xử của người Việt khi ra nước ngoài, anh Mạnh Tuấn, hướng dẫn viên của một công ty lữ hành ở Hà Nội chia sẻ:
“Để liệt kê thói xấu của người Việt khi ra nước ngoài thì không phải là ít, nhưng điều đó chỉ tồn tại ở một số bộ phận, không thể đánh đồng tất cả”.
“Ngay trong những chuyến công tác, tôi từng nghe không ít bạn bè than phiền về thói xấu của người phương Tây. Gần 20 năm trời làm hướng dẫn viên du lịch, tự bản thân tôi đúc kết được rằng: người Việt mình không xấu. Có chăng, đó chỉ do sự khác biệt về văn hóa. Nếu biết thích ứng với điều này, hình ảnh du khách Việt sẽ đẹp lên rất nhiều trong mắt bạn bè quốc tế”.
Người Việt và người phương Tây có sự khác biệt về văn hóa, lối sống. (Ảnh minh họa)
Thói quen xếp hàng
“Khi để ý, tôi thấy rằng người phương Tây luôn quan sát trước khi hành động. Đến chỗ đông người, họ sẽ tự động đứng vào hàng nên chẳng mấy khi tình trạng chen chúc, xô đẩy diễn ra. Việc xếp hàng không khó, nhưng dường như không có nhiều người Việt để ý”, anh Tuấn tâm sự.
Người HDV với nhiều năm kinh nghiệm tiếp lời bằng một câu chuyện xảy ra ở trường Đại học Harvard. Hầu hết mọi người khi đến tham quan địa điểm này đều muốn chụp ảnh dưới chân bức tượng Giáo sĩ John Harvard – một trong những người sáng lập ra ngôi trường danh tiếng.
“Nếu du khách nước ngoài trật tự xếp hàng, kiên nhẫn chờ đến lượt thì một số người Việt không làm như vậy. Họ chen ngang chụp hình trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người khác. Chỉ đến khi hướng dẫn lên tiếng nhắc nhở, những vị khách đó mới giật mình quay lại hàng”, anh Tuấn nhớ lại.
Cảnh người Việt chen chúc ở nơi công cộng thường xuyên xảy ra. (Ảnh minh họa)
Tình trạng này cũng thường xuyên xảy ra trong các nhà hàng buffet. Lẫn trong dòng người đang di chuyển từng chút một chờ lấy món ăn, thi thoảng đâu đó có một vài khách Việt sẵn sàng tách hàng, chen vào chọn món mình thích rồi ung dung trở về bàn. Ở nhiều nước, hành động này là khó hiểu và thiếu lịch sự.
Anh Tuấn nói thêm:
“Điều buồn cười là ngay cả những người có địa vị cao hoặc được gọi là “đại gia” cũng có cách hành xử kì lạ. Không ít lần họ làm khó hướng dẫn viên khi yêu cầu được làm thủ tục check- in hay nhận phòng trước. Nếu lên tiếng giải thích, họ cũng không đồng ý hoặc chấp nhận với thái độ bực tức”.
Người Việt ăn nhanh, đi chậm và khó rời mắt khỏi điện thoại
Trái ngược với tác phong ăn nhanh – đi chậm của người Việt, người phương Tây luôn cố gắng di chuyển nhanh khi đi bộ trên đường. Nhưng khi đã vào nhà hàng, họ cho phép mình được thưởng thức bữa tối một cách chậm rãi, nhẹ nhàng và từ tốn. Đây cũng chính là khoảng thời gian xả hơi và trò chuyện.
Bữa ăn là thời gian để người phương Tây xả hơi và trò chuyện.
“Chính vì vậy, một bữa tối kéo dài 3 – 4 tiếng đồng hồ là việc hoàn toàn bình thường. Nhưng người Việt kể cả khi đi du lịch vẫn ăn uống ào ào, có khi chỉ 15 – 20 phút là xong bữa cơm. Bên cạnh đó, một số người có thói quen chúi mặt vào điện thoại bất kể vào lúc nào. Việc này diễn ra thường xuyên đến nỗi, đã từng có người nước ngoài hỏi tôi, không hiểu đoàn khách này có điều gì giận nhau hay bị tự kỷ mà lại không nói chuyện. Vô hình chung, mình đã gây ấn tượng xấu cho người khác”, vị HDV tâm sự.
Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, khi vào các nhà hàng ở nước ngoài hoặc sử dụng dịch vụ có người phục vụ, việc tip (tiền bo) cho nhân viên cũng là điều du khách Việt cần ghi nhớ. Số tiền bo tương ứng khoảng 10 – 15% số tiền du khách phải trả trước đó. Anh Tuấn đã từng phải giải quyết những vụ xô xát không đáng có do các du khách không biết đến điều này.
Cá nhân và tập thể
Ngay từ khi còn nhỏ, người nước ngoài đã được định hướng sống tự lập. Họ có thể tự làm mọi việc và buộc phải chịu trách nhiệm về việc đó. Còn người Việt, do quen với tâm lý “có anh có em mới đông vui” nên đã gặp phải không ít rắc rối khi ra nước ngoài.
Đơn giản nhất từ việc đổi phòng khách sạn, người này thích ở với người kia, nhưng khi khóa phòng bị hỏng, bộ phận lễ tân nhất quyết không giao chìa mới cho người không có tên trong danh sách đăng ký.
Một minh chứng rõ ràng nữa cho sự khác biệt văn hóa, theo anh Tuấn là ở chỗ, nếu người Việt thường mua 1 chai rượu và uống chung thì người phương Tây lại gọi riêng đồ uống, đồ ăn rồi tự thanh toán cho hóa đơn của mình.
Hút thuốc lá
“Giờ đây, không còn nhiều người hút thuốc lá khi đi du lịch ở nước ngoài nữa. Một phần vì họ bảo vệ sức khỏe, nhưng cũng có thể do người Việt… sợ bị phạt. Nhưng nếu có nhu cầu, du khách vẫn có thể tìm đến những khu vực cho phép hút thuốc”, anh Mạnh Tuấn chia sẻ.
Ở nước ngoài, hút thuốc bị cấm ở một số nơi công cộng. (Ảnh minh họa)
Gần 20 năm làm nghề, nhưng anh Tuấn chỉ nhớ duy nhất 1 rắc rối xảy ra do thói quen hút thuốc của khách.
“Trường hợp cá biệt này ở trong đoàn sang Úc. Khi đó, vị khách nam ngồi đánh bài trong phòng và hút thuốc. Biết rõ nếu bị phát hiện sẽ bị phạt nên người này nghĩ ra cách mở tung cửa, đồng thời lấy khăn bịt kín cảm biến trên trần nhà. Nhưng không may, cảm biến vẫn nhận được khói thuốc và báo động đến sở chữa cháy. Chẳng mấy chốc, 4 xe cứu hỏa được điều đến khách sạn. Cuối cùng, người này bị phạt đến 2000 USD vì hành động của mình”.
Nguồn: Hiếu Anh
Dân Trí