Cảnh trèo rào để vào công viên nước sáng 19/4 tại Hà Nội
1 .Cách đây không lâu, trong dịp công tác tại Sài Gòn, hay tin một nhà hàng phát thức ăn nhanh miễn phí cho người dân với điều kiện phải đi xe máy hoặc xe đạp, tôi đã ghé qua xem.
Đến nơi, một cảnh tượng khiến tôi không thể nào quên. Đó là cả một biển người mà ai nấy cũng đều dán mông trên xe, chờ trước mặt tiền của quán đông nghịt, nom chăng khác gì người dân ngày rằm tháng Giêng chờ phát ấn đền Trần.
Nhưng khác với cảnh tượng chen lấn, xô đẩy nhau trong lễ hội đền Trần, biển người chờ được phát đồ ăn miễn phí tại đây lại rất trật tự, vui vẻ xếp hàng. Có nhiều người còn khuyên nhau nên tắt động cơ xe máy, nhường lối đi cho những người lớn tuổi lên nhận đồ ăn trước...
Đến khi giờ phát đồ ăn miễn phí chỉ còn chừng 10 phút, vẫn không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, giành giật. Nhiều người ở vòng ngoài không vào được đành đứng nhìn từ xa. Có người sau khi nhận được đồ ăn miễn phí, khi trở ra đã niềm nở mời những người chưa đến hoặc hết cơ hội ăn cùng trên tinh thần... vui là chính.
Chưa nói đến việc đây có phải là chiêu trò của nhà hàng nhằm “câu khách”, xây dựng thương hiệu hay không, vì đó là quyền của họ, cái mà người viết muốn nói đến ở đây là một bộ phận người dân vẫn còn có ý thức xếp hàng, vẫn thể hiện được văn hóa ứng xử trong một không gian, một sự kiện mà chỉ cần thiếu kiên nhẫn hoặc đi theo cái gọi là “học thuyết đấu tranh” có thể dẫn đến mất trật tự và phản văn hóa.
Nó khác hẳn với thứ “văn hóa giành giật” mà nếu tôi nhớ không nhầm thì diễn ra cách đây hai năm, tại một sự kiện phát áo mưa miễn phí do một tổ chức nước ngoài phối hợp với một cơ quan ở Hà Nội tổ chức. Ngay khi nhân viên của tổ chức nước ngoài ra lời phát động và mới chỉ phát được vài cái áo mưa, nhiều người đã trèo cả lên sân khấu, cướp áo mưa từ tay nhân viên và tình nguyện viên, trong khi... trời nắng như đổ lửa.
Và cách đây hai năm, cũng tại Hà Nội, một nhà hàng Nhật Bản miễn phí sushi. Nhưng cảnh tượng thì được nhiều độc giả mỉa mai rằng; chẳng khác gì nạn đói năm 1945, khi mà “hàng ngàn người kéo đến, chen lấn giành giật để mong có được phần ăn”.
2. Đó là chuyện ăn, mặc, còn chuyện tắm “free” (miễn phí) mà cũng tranh giành, chen lấn, xô đẩy, bộc lộ thứ văn hóa công cộng vô lối mới khiến không ít người ngạc nhiên.
Nhiều cô gái mặc váy vẫn vô tư leo qua rào. Ảnh: Trí thức trẻ
Nhìn cảnh tượng hàng trăm người bất chấp lệnh cấm, bâu vào hàng rào thép, thậm chí bắc thang để mong leo được vào bên trong Công viên Hồ Tây để được tắm miễn phí mà cứ ngỡ như cảnh “chạy giặc”. Nhiều người khi leo rào còn cắp theo cả trẻ em, chân tay chảy máu, rách cả nội y...
Nhìn cảnh tượng này, nhiều người châm biếm: Đây là cảnh “công thành” chỉ có thể thấy trong phim kiếm hiệp, trong văn hóa “free” của một bộ phận người Việt chỉ thích thụ hưởng những sản phẩm, dịch vụ không thu phí. Nghe nhạc, đọc báo, đọc sách, xem phim mà mất tiền thì lăn tăn, nhưng mỗi khi phát sách, chiếu phim, nghệ sĩ biểu diễn miễn phí thì kéo đến... đông như kiến.
3. Nhưng thật ra, suy cho cùng chẳng có gì là miễn phí cả. Bởi lẽ, để có được một suất ăn, một chiếc áo mưa, hay một suất tắm miễn phí trong công viên thì chính người dân đã phải bỏ ra rất nhiều “chi phí” vô hình. Đó là thời gian, sức lực và thậm chí là cả lòng tự trọng khi mà nhiều người khác nhìn vào đám đông đó rất dễ sẽ coi thường mình... '
Và chừng nào mỗi người chưa tự nhận ra được vấn đề đó thì làn sóng văn hóa miễn phí sẽ vẫn còn diễn ra, thậm chí là tăng lên, còn giá trị xã hội thì giảm xuống vì không còn tin vào nó nữa...
Phạm Huy – Thể Thao Văn Hóa