Một nước nhỏ, lại đông dân như Việt Nam thì càng cần nghiêm khắc với một số nguyên tắc xã hội để giúp mọi người an toàn và thoải mái hơn.

Dù tôi biết có nhiều người Việt Nam tốt, nhưng tôi phát hiện ra một vấn đề trong văn hóa của số đông: nhiều người không thể hợp tác tích cực và tuân thủ trật tự trong cùng một tập thể lớn.

Bài viết của chàng trai giáo viên người Canada “Jesse Peterson” đăng tải trên Vnexpress

Khi tôi xếp hàng trong sân bay, họ chen hàng rất hung hăng. Nhiều khi ở siêu thị, tôi thấy những ánh mắt khinh thường và ngán ngẩm khi một vài người chen ngang để tính tiền trước.

Ở nhiều thang máy và thang cuốn, ý thức của một số người rất kém. Họ cười nói ồn ào trong thang máy như ở nhà mình, không nhường cho người đi ra, đi vào khi cửa mở ra.

Còn xả rác ngoài đường thì là một hành động thiếu ý thức nghiêm trọng. Thái độ vì cộng đồng của nhiều người còn quá kém. Không cần phải là rác của mình mới nhặt, mình phải giúp đỡ lẫn nhau. Nó còn được gọi là “group intelligence” – sự thông minh xã hội.

Tuần trước, trên đường lái xe về nhà, tôi thấy một người đàn ông Việt Nam phóng ngược trên đường một chiều, rượt cô gái vừa chạy vừa khóc.

Tôi dùng còi xe để làm người đàn ông chú ý rằng anh đang vi phạm luật giao thông, đồng thời giải thoát cho cô gái. Cô nhảy qua con lươn và biến mất. Tôi tiếp tục đi thì anh kia đuổi theo, chặn xe tôi lại. Anh bắt đầu chửi tôi thậm tệ. Rồi thêm người đàn ông khác đến, cũng chửi thề và đánh vào mặt tôi. Tôi bị bất ngờ, bèn túm lấy cổ áo kéo cả hai xuống mặt đường. Một người phụ nữ đến can, hét lên và kéo bọn họ ra khỏi tôi. Anh kia đứng dậy và đánh vào đầu cô ấy. Tôi kéo ông ra thật xa người phụ nữ. Anh ta cắn vào lưng tôi như một con quái vật bị điên.

42 1 Coi Ao Trao Nguoi Y Thuc Cua Nguoi Viet Nam Te Den Muc Buc Minh Va That Vong

Rất may là tôi từng học võ, tôi đá anh ta ba cái thì hắn leo lên xe bỏ chạy. Nhưng chắc vì còn hoảng loạn nên lại gây thêm một tai nạn nhỏ với xe máy khác. Bảo vệ khu vực đến, tịch thu xe, lấy chìa khoá, và yêu cầu anh ta lên vỉa hè giải quyết.

Lúc này thì người đàn ông thứ hai đã gây lộn bước đến chỗ tôi và nói lời xin lỗi.

“Tại sao lại đánh tôi? Anh không thấy nó đánh phụ nữ sao?” – tôi không bực mình, chỉ thấy thất vọng.

“Đó là bạn tôi”, anh ta nói.

Anh ta đánh tôi để giúp bạn mình, nhưng không giúp cô gái bị đuổi đánh. Những người trên đường khi thấy người đàn ông rượt theo cô gái cũng đã không làm gì để giúp cô ấy, vì họ sợ dây vào rắc rối. Nhưng ở quê tôi, mọi người luôn giúp đỡ khi thấy ai đó gặp khó khăn ngoài đường, hậu quả tính sau. Có hẳn một luật như vậy, gọi là “good samaritan law” (tạm dịch: luật người tốt). Luật này bảo vệ những người cung cấp hỗ trợ hợp lý cho một người, hoặc những người mà họ tin là đang bị thương, bị bệnh, trong tình trạng nguy hiểm hoặc mất khả năng tự vệ. Luật ra đời nhằm giảm bớt sự do dự, nỗi sợ bị kiện hoặc bị truy tố khi một người muốn giúp ai đó mà có thể gây thương tích không chủ ý hoặc ngộ sát.

Tôi hiểu nhiều người ngại giúp người khác vì sợ bị liên lụy, nhưng nếu ai cũng làm ngơ thì càng có nhiều đàn ông hành xử xấu với phụ nữ, sẽ có nhiều người phá luật, nhiều tai nạn trên đường, nhiều người uống rượu khi lái xe, người yếu thế bị đánh đập… Những kẻ sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người yếu hơn mình chỉ chùn lại khi biết rằng lúc nào cũng có ai đó ngoài đường sẵn sàng bảo vệ công lý. Họ sẽ phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi phạm tội.

Tôi rất quý khoảng thời gian ở Afghanistan. Tôi học được từ văn hoá của họ – một nước cực kỳ nghèo, nhưng mọi người đều luôn sẵn sàng cởi chiếc áo trên lưng đưa cho một người hoàn toàn xa lạ.

Tiếng Latin có một từ tôi rất hay dùng cho cuộc sống hằng ngày là “apotheosis”. Nó có nghĩa là hãy cố gắng trở thành một ví dụ hoàn hảo, một tấm gương cho những người khác nhìn vào. Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam du lịch hoặc ở lại lâu dài. Chỉ có một cách để họ không vi phạm luật giao thông, đó là thấy mọi người đều làm đúng luật. Cảnh sát giao thông cũng cần thật sự thay đổi, không được phép xử phạt bằng cách nhận hối lộ. Khi đó, tất cả sẽ theo trật tự.

Vào những ngày cuối năm này, nhiều người Việt nô nức đi từ thiện, nhưng, thực sự có nhiều cách để làm “từ thiện”, là những hành động nhỏ bé song mang điều tốt đẹp cho cả thế giới. Đó là loại “từ thiện” nhặt rác ngoài đường, không “bẻ gãy” luật giao thông, sẵn sàng giúp đỡ người lạ, nói không với tham nhũng vặt, xếp hàng và trật tự chờ tới lượt mình.

 

Jesse Peterson

(Nguyên tác tiếng Việt)

VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC