Người Việt chen lấn để vào công viên nước. Ảnh: Soha.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thắng thắn chỉ ra nguyên nhân vì sao những tật xấu của người Việt không thay đổi mà càng có biểu hiện nặng hơn.
Điều này đã được các trí thức lớn của dân tộc đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh... chỉ ra. Nhưng tại sao sau hơn một thế kỷ, những tật xấu này không thay đổi mà càng có biểu hiện nặng hơn. Nhà nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn giải thích trên góc độ khoa học xã hội.
Thưa ông, người Việt thì hình như không có thói quen tôn trọng sự riêng tư của người khác ở nơi công cộng. Điều này phải chăng do tư duy nông nghiệp của ta từ ngày xưa?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn:
Tôi thấy phải nhìn vấn đề này rộng hơn, tức là mối quan hệ giữa người với người ở xã hội ta rất đơn giản, nếu không muốn nói rõ hơn là từng cá nhân không cần biết đến ai cả. Người Việt Nam có hai đặc biệt: một là luôn sống theo đám đông và trong đám đông, thứ hai là trong đám đông đó, mỗi người lại không để ý đến người khác.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn. |
Trong xã hội phương Tây, nghĩa là xã hội xuất phát từ nền sản xuất công nghiệp ví dụ như Hi Lạp hay La Mã cổ, người ta đi lên từ nền sản xuất dây chuyền, tôi có cảm giác, người ta có ý thức tôn trọng tập thể hơn. Trong khi đó xã hội Việt Nam thì hình như không có điều đó, phải không thưa ông?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn:
Điều đó là không đúng, xã hội nào cũng trải qua nền sản xuất nông nghiệp trước khi chuyển sang công nghiệp. Và một xã hội nông nghiệp như xã hội Trung Quốc thì người ta rất có kỉ cương, nên xã hội đó trưởng thành, giúp cho người ta có thể cộng tác với nhau để cùng nhau làm việc, phối hợp với nhau trong hành động. Cái đó là quan niệm, đời sống tinh thần của người Trung Quốc. Qua thời gian chúng ta phải tìm hiểu lịch sử tinh thần của chúng ta là như thế nào. Nói theo khái niệm của xã hội học và tâm lí học là, cái tự nhận thức của người Việt còn yhạn chế. Ai lại vứt rác bừa bãi xung quanh mình rồi bạ đâu làm đấy, chửi nhau, đánh nhau, chen lấn xô đẩy…
Từ đầu thế kỉ trước những tri thức lỗi lạc của dân tộc như cụ Nguyễn Văn Vĩnh, cụ Phạm Quỳnh, cụ Phan Bội Châu hay cụ Phan Châu Trinh cũng đã chỉ ra thói hư tật xấu của người Việt, thế nhưng mà vì sao trong suốt hơn 1 thế kỉ qua những thói hư tật xấu đó không có chiều hướng thay đổi, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn:
Người Việt Nam rất ghét đạo Khổng, nhất là quan niệm của đạo Khổng về tiểu nhân và quân tử. Nhưng tôi đọc kỹ thì không phải như thế. Theo quan điểm của đạo Khổng, tiểu nhân là những kẻ sống theo bản năng của mình. Người Việt Nam tôi thấy, họ cũng như vậy, chỉ thích sống theo bản năng, chả muốn thay đổi gì cả. Tôi gọi như vậy là thứ tự do hoang dại, thứ tự do vô tổ chức, vô kỉ luật. Có những người như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vốn xuất phát là những người yêu nước, vì cứu nước nên họ phải tổ chức lại nhân dân và thấy rằng dân tộc ta rất nhiều nhược điểm. Còn tại sao mà đến tận bây giờ những bài học này lại không được phát triển.
Theo tôi, vì chủ trương giáo dục của chúng ta sau năm 1945 là chỉ nói về dân tộc với những điều tốt đẹp, không nên nói về những điều xấu. Cho nên, bao nhiêu điều mà những bậc trí thức ngày trước đã viết về dân tộc mình thì không bao giờ được đưa vào sách giáo khoa. Tức là quá trình tu thân, tu dưỡng bản thân của người Việt không được xã hội khuyến khích, mà chỉ khuyến khích phần bản năng, mà những cái xấu của mình không kìm hãm nó thì nó sẽ ngày càng phát triển thôi.
Hiện nay, truyền thông lại đang nói quá nhiều về cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội. Theo ông thì khi chúng ta nói quá nhiều về cái xấu thì có phải là biện pháp thay đổi không hay đó chỉ là một góc nhìn tiêu cực?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn:
Tôi cho rằng, trước đây, chúng ta nói nhiều về cái tốt cũng chưa đúng mà hôm nay chúng ta nói nhiều về cái xấu cũng không đúng. Bởi vì cái tốt và cái xấu bao giờ cũng dựa lưng vào nhau. Nếu cái tốt không bền vững, không chắc chắn thì nó sẽ biến thành cái xấu.
Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm. Một trong những cách nói về thói hư tật xấu là xem xem người nước ngoài nói về chúng ta như thế nào.
Việc thứ hai là trong nghiên cứu thói hư tật xấu thì chúng ta phải nghiên cứu về lịch sử của dân tộc khác. Dân tộc ta rất kém trong việc tiếp nhận dân tộc khác. Chúng ta ít hiểu họ, chúng ta ít hiểu người Lào, ít hiểu về người Campuchia, càng ít hiểu về người Thái, người Miến Điện. Sở dĩ lịch sử của người ta phát triển vì bao giờ người ta cũng có người nghiên cứu về nước ngoài.
Nếu chúng ta không hiểu biết về nước ngoài thì cũng không bao giờ chúng ta hiểu biết về mình.
Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển về phương tiện truyền thông thì theo ông, thời điểm này người Việt bắt đầu thay đổi, liệu có thay đổi được không?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn:
Tôi thấy truyền thông hơi ảo tưởng về mình, truyền thông phải dựa vào khoa học xã hội. Nếu khoa học xã hội cứ như hiện nay thì không bao giờ truyền thông phát triển được.
Ai cũng nói phải phát triển văn hóa nhưng thế nào là văn hóa, văn hóa có đóng góp gì cho việc giúp con người ứng xử văn hóa?
Chúng ta chưa làm được điều đó. Đây là lỗi của các nhà khoa học xã hội, lỗi của các nhà nghiên cứu về dân tộc học, về lịch sử, lỗi của giáo dục.
Những người làm truyền thông, tôi mong các bạn bớt tìm con đường dễ đi mà hãy tìm những con đường khó.
Khi thấy ai viết rồi thì đừng viết lại nữa, phải tìm được những vấn đề khó hơn, cũng nói về thói hư tật xấu nhưng nói một cách thuyết phục hơn, có tác dụng hơn.
Xin cảm ơn ông./.
Anh Tuấn/VOV2