Nói dối, thiếu trung thực sẽ sinh ra thói ăn cắp, tham nhũng, không thích làm mà chỉ muốn hưởng thụ...
LTS: Sau khi đăng tải bài viết của Nhà giáo Văn Như Cương nói về tính xấu của người Việt, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi đồng tình với quan điểm của ông khi cho rằng “tính xấu người Việt do bệnh lười mà nên”. Xin đăng tải những trải nghiệm, câu chuyện rất thật của chính bản thân nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh.
Bây giờ, sau mỗi lần nghe được, nhìn thấy hoặc được kể lại tôi đều vô cũng xấu hổ. Dù biết rằng tính xấu thì ở ai cũng có, xã hội nào cũng có nhưng xấu đến mức phổ biến như hiện nay, đến mức ra nước ngoài nhiều người không đủ dũng cảm, không dám nhận mình là người Việt Nam thì quả là quá xấu.
Cách đây khoảng mấy chục năm, khi tôi còn ở Nga, người Nga họ rất yêu quý con người VN. Họ quý tính trung thực, tình cảm nhờ thế mà ngay cả khi trở về VN tôi vẫn luôn giữ liên lạc và có được mối quan hệ rất tốt với người Nga.
Tôi vẫn tự hỏi, tại sao ngày xưa người xấu không có hoặc rất ít nhưng tại sao bây giờ cái thói lười biếng, nói dối, thiếu trung thực lại đang phổ biến thế, nhiều đến thế.
Hiện tượng này không chỉ có ở mỗi gia đình, công ty, doanh nghiệp mà cả ở những cơ quan nhà nước, từ một bộ phận quan chức tới cả người nông dân… vì sao thế? Việc này nguy cấp lắm rồi, mỗi ngày qua đi chúng ta lại thấy hình ảnh con người VN, dân tộc VN xấu dần trong mắt bạn bè quốc tế.
Vậy mà sau bao nhiêu năm, bây giờ tôi mới biết rằng tình cảm yêu mến đó đã đổi khác nhiều rồi. Nhiều người Việt ngày xưa nghèo được bạn bè quốc tế thương, giúp đỡ nhưng giờ có được tí tiền lại coi khinh người ta.
Chẳng nói đâu xa, ngay cả người thân của tôi cũng như vậy. Tôi từng có việc đi cùng thằng cháu, khi về phải đứng đợi taxi. Theo phép lịch sự ở nước ngoài đợi xe cũng phải xếp hàng, xe nào đến trước thì đi nhưng cháu tôi bảo “ông ơi, cần gì, mình có tiền thích đi xe nào thì đi”. Tôi nói thẳng với thằng cháu: “Mày còn như thế, ông không đi với mày nữa”.
Thật lạ kỳ, thói đâu “kém người thì thương, bằng thì cũng được nhưng hơn được người thì lại ra vẻ"". Liệu trong những đồng tiền giàu lên nhanh chóng đó có được mấy đồng kiếm được là trong sạch, liêm chính?.
Tôi có quen một ông giáo sư người Nhật sang VN từ mấy năm trước. Ông nhờ tôi đặt phòng khách sạn, còn nói với tôi, có một khách sạn trên phố Lò Đúc giá rất rẻ chỉ khoảng 10 USD/ngày/đêm. Khi tôi đến, tôi đã bắt gặp ông ngồi ăn mì ở một gánh hàng rong ngoài phố nhưng không hề e ngại, trong khi chính tôi cũng thấy hơi gượng gạo, bối rối.
Còn chúng ta thì sao? Bây giờ không còn lạ khi thấy xe biển xanh đi rước dâu hay gọi một bữa tiệc cả trăm USD, ăn buffe thì lấy đồ tràn lan… tất cả đều là tâm lý “hơn người”, khoe khoang, trọng hình thức.
Vừa rồi, tôi có tham dự một hội thảo ở Bắc Ninh. Tôi thấy rất buồn cười chỉ có chỗ ngồi ở hàng ghế đầu với hàng ghế sau thôi họ cũng phải tranh nhau. Người tranh được ghế đầu thì mừng ra mặt, người không tranh được thì hậm hực, thậm chí còn chửi nhau. Đã rất nhiều người phải ngạc nhiên khi thấy tôi đứng lên phát biểu từ hàng ghế thứ tư.
Rồi đến nạn ăn cắp vặt, nói dối. Một bộ phận cán bộ cứ có cơ hội tham nhũng được là tham nhũng; nhân viên có cơ hội là ăn cắp, ăn cắp từ giờ làm việc tới cái hóa đơn, vé xe… Nơi có tiền ăn cắp tiền, nơi có thời gian thì ăn cắp thời gian.
Tôi cũng không ngại kể lại câu chuyện của chính tôi từ mấy năm trước khi tôi tham dự một hội thảo bên Mỹ. Tiếp đón tôi là hai vợ chồng giáo sư người Mỹ. Tôi được đối đãi vô cùng tốt, họ cho tôi ngủ lại trong thư viện của gia đình.
Ở đây, tôi phát hiện có một cuốn sách rất quý. Lúc đó tôi không thể có tới 180 USD để mua được cuốn sách này. Mà nếu có tiền, tôi cũng chưa chắc đã mua được.
Tôi đã phải đấu tranh với bản thân tôi suốt cả đêm là lấy hay không lấy. Nếu lấy tôi sẽ có sách, sẽ thỏa mãn được sự tò mò, quan trọng hơn là tôi có được cái tôi cần. Nếu không lấy, tôi có lòng tự trọng nhưng sẽ không bao giờ có sách, không thể mua có mua cũng không có. Quan trọng là khi cần tôi sẽ không thể có được. Cuối cùng tôi vẫn lấy trộm cuốn sách đó giấu vào người và cố biện minh “ăn trộm sách là không xấu”.
Tuy nhiên, sáng hôm sau trên đường ra sân bay, khi nói về cuốn sách này hai vợ chồng vị giáo sư người Mỹ đặt vấn đề: “Sao anh không cứ lấy đi?"". Lúc đó, tôi rất xấu hổ, rút cuốn sách giấu trong người và trả lại họ. Sau đó, tôi để lại địa chỉ và được hai vợ chồng vị giáo sư gửi tặng cuốn sách tới tận nhà.
Từ câu chuyện của bản thân, tôi cho rằng đây là một cuộc đấu tranh từ tự bản thân mình, chứ không có một cơ quan điều tra nào làm được việc này. Nhưng bây giờ, lòng tự trọng, sự xấu hổ gần như không còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người nữa.
Tôi biết có một người học trò của tôi, để chạy được việc cho con đã mất tới 230 triệu nhưng vẫn chưa xong. Học trò của tôi khi phát hiện đã từ bỏ ý định xin việc nhưng cũng không được trả lại tiền. Sự trắng trợn, trơ trẽn đã đến mức như vậy.
Nhìn lại thời gian khi tôi còn làm viện trưởng, có một học viên đã đưa cho tôi chiếc phong bì 5 triệu. Nhưng tôi, đã trả lại. Nếu ở thời bây giờ chắc không có sự xấu hổ này, chỉ có thể có chuyện nói ít quá, không đủ đâu hoặc là phải thêm nhiều nữa…
Từ đó, tôi đã hiểu vì sao đạo đức xã hội càng ngày càng xuống cấp, hành vi vô cảm lại lên ngôi.
Tôi cho rằng, nếu phải bình bầu tật xấu nhất của người Việt thì chắc hẳn là tính ăn cắp, thiếu trung thực. Nếu không thay đổi, không sửa hai tật này, thì e rằng nó dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Lam Lam (ghi)