Cha mẹ chưa đăng ký kết hôn, không có nơi cư trú ổn định, khai sinh cho con thế nào? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH
Tháng 5-2022, con trai tôi bị đưa đi lao động công ích 2 năm. Tôi cưu mang hai mẹ con từ thời điểm trên nhưng đến tháng 3-2023, cô ấy không còn ở với tôi nữa nhưng đứa bé thì tôi vẫn nuôi đến nay.
Nay cháu đã được hơn 21 tháng, tôi có nói cô ấy làm khai sinh cho con (để trống tên cha rồi bổ sung sau) để tôi cho bé đi học. Nay cô ấy nói với tôi: "Ba mẹ con từ con luôn rồi, không cho con về nhà nên không thể làm khai sinh cho bé theo địa chỉ nhà con được".
Nếu tôi muốn làm khai sinh cho bé theo địa chỉ nhà tôi thì phải làm sao? Chúng tôi đều ở TP.HCM.
Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Liên quan vấn đề này, ý kiến tư vấn của tôi như sau: Để cháu bé được đăng ký khai sinh theo địa chỉ nhà bạn, bạn cần thực hiện 2 thủ tục là đăng ký khai sinh và đăng ký cư trú. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, thủ tục đăng ký khai sinh:
Về quyền được khai sinh của trẻ: Căn cứ điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền được khai sinh, khai tử là quyền của mỗi cá nhân.
Vì vậy, quyền được khai sinh của trẻ không liên quan và không bị ảnh hưởng bởi việc cha mẹ của trẻ có phải là vợ chồng theo quy định pháp luật tại thời điểm khai sinh hay không.
Về trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ: Theo khoản 1 điều 15 Luật Hộ tịch thì cha, mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con. Nếu cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.
Do trường hợp của bạn cho thấy hiện nay cha của cháu bé đang phải thực hiện lao động công ích, còn mẹ của cháu thì không có địa chỉ cư trú ổn định, nên cả cha và mẹ đều không thể đăng ký khai sinh cho bé. Do đó, bạn là người đang trực tiếp nuôi dưỡng đứa bé nên bạn cũng có quyền và trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.
Về thủ tục, trình tự đăng ký khai sinh:
Thủ tục đăng ký khai sinh được quy định tại khoản 1 điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014, gồm các giấy tờ sau:
Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu ban hành kèm theo thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28-5-2020; Giấy chứng sinh (trường hợp mất giấy chứng sinh thì có thể yêu cầu cơ sở y tế nơi bé sinh cấp lại; trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh). Ngoài ra, bạn cần mang theo căn cước công dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác có dán ảnh để xuất trình khi nộp hồ sơ.
Tuy nhiên vì cha, mẹ của cháu bé chưa đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật nên công chức tư pháp - hộ tịch sẽ tiếp nhận việc khai sinh cho cháu bé theo trường hợp trẻ chưa xác định được cha, mẹ theo quy định tại điều 15 nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015.
Bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đã liệt kê như trên và nộp trực tiếp tại UBND phường, xã, thị trấn nơi trẻ đang cư trú. Họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của cháu bé được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ. Phần ghi về cha trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh của trẻ để trống và sẽ được bổ sung khi con trai bạn trở về và làm thủ tục đăng ký nhận cha, con với cháu bé.
Theo quy định tại điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014 và điều 14 thông tư 04/2020/TT-BTP, thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm: Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu ban hành kèm theo thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28-5-2020; Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
Nếu không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con thì lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, con và có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, con.
Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ trong thủ tục trên hoặc mẹ của bé không còn giấy tờ tùy thân thì bạn có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh cho bé theo trường hợp trẻ bị bỏ rơi.
Căn cứ điều 14 nghị định 123//2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015, bạn cần đến UBND phường, xã, thị trấn nơi bạn cư trú để lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi và niêm yết biên bản này tại UBND trong 7 ngày.
Hết thời hạn 7 ngày, bạn có thể đăng ký khai sinh cho cháu (thủ tục bao gồm: tờ khai đăng ký khai sinh và biên bản niêm yết về việc trẻ bị bỏ rơi). Lúc này, họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự; phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong giấy khai sinh và sổ hộ tịch để trống; trong sổ hộ tịch ghi rõ "Trẻ bị bỏ rơi".
Sau đó khi đã bổ sung đầy đủ giấy tờ cần thiết thì cha và mẹ cháu cần nhanh chóng làm thủ tục nhận con để bổ sung thông tin phần cha, mẹ trên giấy khai sinh của cháu bé.
Thủ tục đăng ký cư trú:
Mặc dù trên thực tế giữa bạn và cháu bé có quan hệ cháu và ông/bà nội nhưng tại thời điểm đăng ký khai sinh thì con trai bạn chưa được xác định là cha của cháu bé, nên bạn không thể chứng minh quan hệ nhân thân với cháu bé. Do đó, trường hợp này, bạn chỉ có thể đăng ký cư trú cho cháu bé tại địa chỉ nhà bạn trên cơ sở được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó theo khoản 3 điều 20 Luật Cư trú năm 2020.
Hồ sơ đăng ký thường trú trong trường hợp này bao gồm:
(i) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo mẫu CT01 ban hành kèm theo thông tư 56/2021/TT-BCA ngày 15-5-2021.
(ii) Văn bản về việc cho ở nhờ đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
(iii) Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định (điều kiện cụ thể do hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại nơi đăng ký thường trú quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người): Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
Sau khi đăng ký khai sinh cho cháu bé, bạn cần chuẩn bị hồ sơ như trên và đem nộp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi bạn cư trú để làm thủ tục nhập khẩu cho cháu bé vào địa chỉ cư trú của bạn.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online