Hỏi: Vợ tôi sinh năm 1977, quốc tịch VN, sang Đức năm 2001, được một gia đình người Đức nhận làm con nuôi và đã được toà án Đức công nhận. Khi quyết định của tòa án có hiệu lực, phía Đức đã đổi tất cả giấy tờ và hồ sơ của vợ tôi theo họ bố mẹ nuôi. Xin hỏi quí báo, pháp luật VN có công nhận quyết định của toà án nước ngoài đối với việc nhận con nuôi ở tuổi thành niên hay không? Vợ tôi có thể xin đổi tên trong hộ chiếu VN theo họ của bố mẹ nuôi hay không?
Về vấn đề Bạn hỏi chúng tôi xin được thông tin:
1. Theo qui định của Luật Hôn nhân và Gia đình, người được nhận làm con nuôi phải là người từ 15 tuổi trở xuống. Người trên 15 tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu cô đơn.
Trường hợp con nuôi là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, còn cha mẹ nuôi là người nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền công nhận việc nuôi con nuôi là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước hoặc khu vực lãnh sự nơi cư trú của người con nuôi. Cơ quan đại diện chỉ đăng ký việc nuôi con nuôi nếu không trái với pháp luật nước tiếp nhận hoặc nước tiếp nhận không phản đối.
2. Chúng tôi thấy không có qui định nào của pháp luật Việt Nam công nhận quyết định của toà án nước ngoài về việc nhận con nuôi đến tuổi thành niên như Bạn hỏi.
3. Chúng tôi không rõ là sau khi toà án Đức công nhận vợ Bạn được làm con nuôi, vợ Bạn có được mang quốc tịch Đức hay chưa. Nếu theo luật pháp Đức, vợ Bạn sẽ phải đổi tên họ theo bố mẹ nuôi và đương nhiên được nhập quốc tịch Đức... thì khi đó vợ Bạn cùng một lúc mang hai quốc tịch VN và Đức. Điều đó là trái với qui định của pháp luật Việt Nam là công dân VN chỉ có một quốc tịch đó là quốc tịch VN. Vì vậy, vợ Bạn không những không đổi được tên trong hộ chiếu Việt Nam mà có thể sẽ không được gia hạn hoặc cấp mới hộ chiếu Việt Nam.
Bạn nên gửi hồ sơ đến Đại sứ quán VN tại Berlin hoặc Văn phòng Bonn để được xem xét cụ thể.