Luật sư của TIN TỨC VIỆT ĐỨC trả lời về câu hỏi: Tôi hiện đang sống tại Đức, tôi còn cần những thủ tục và giấy tờ gì để có thể được giải quyết nhanh chóng nhất?
Câu hỏi:
Xin chào luật sư. Tôi hiện đang sống tại Đức được 1,5 năm. Tôi đã kết hôn với một người Việt Nam nhưng mang quốc tịch Đức. Chúng tôi đăng ký kết hôn tháng 4 năm 2008 tại Sở Tư pháp Hà Nội, Việt Nam và đến tháng 6 năm 2008 thì được chấp nhận. Đến tháng 12 năm 2008 thì tôi được chồng đón sang Đức. Bây giờ tôi muốn làm thủ tục ly dị thì phải làm thế nào?
Sau khi kết hôn bao lâu thì tôi được làm đơn ly dị và gửi đơn tại đâu?
Tôi còn cần những thủ tục và giấy tờ gì để có thể được giải quyết nhanh chóng nhất. Mong được sự giúp đỡ tư vấn của luật sư. Xin chân thành cám ơn!
Mai Hoàng - Email: anathien5987@...
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Luật sư Cộng tác TIN TỨC VIỆT ĐỨC Trả lời:
Về quyền xin ly hôn:
Theo khoản 14 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Luật HNGĐ), quan hệ hôn nhân của vợ chồng bạn là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Khoản 2 Điều 104 Luật HNGĐ quy định:
“Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam”.
Như vậy, nếu hiện nay vợ chồng bạn cùng thường trú tại Đức thì yêu cầu ly hôn của bạn phải được thực hiện theo pháp luật của Đức. Nếu bạn và chồng không cùng nơi thường trú thì việc ly hôn của bạn sẽ được thực hiện theo pháp luật Việt Nam.
Điều 90 và 91 Luật HNGĐ quy định về việc thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên. Theo đó, khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án xem xét, giải quyết việc ly hôn. Do đó, bạn có thể về Việt Nam và làm thủ tục ly hôn tại Toà án.
Về thủ tục, giấy tờ khi ly hôn:
Theo quy định tại Điều 102 Luật HNGĐ và điểm c, khoản 1, Điều 36 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (BLTTDS), cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn trong trường hợp của bạn là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi bạn cư trú.
Căn cứ Điều 87, Điều 88 Luật HNGĐ, để làm thủ tục ly hôn trước hết bạn phải nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Toà án, sau khi thụ lý đơn Toà án sẽ tiến hành hoà giải.
Trong trường hợp hoà giải không thành, Toà án sẽ xem xét các căn cứ cho ly hôn theo quy định tại Điều 89 Luật HNGĐ:
“tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” để giải quyết cho ly hôn.
Do đó, theo quy định của pháp luật, Tòa án sẽ xem xét các căn cứ cho ly hôn theo quy định tại Điều 89 Luật HNGĐ mà không phải xem xét bạn đã kết hôn được bao lâu để làm thủ tục ly hôn.
©Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Luật sư Cộng tác TIN TỨC VIỆT ĐỨC
Công ty TNHH Newvisionlaw