Hỏi: Hiện nay tôi mang quốc tịch Đức, nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam. Tôi đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Hagen, Đức cấp Giấy miễn thị thực nhập cảnh (có giá trị đến năm 2014, mỗi lần nhập cảnh được phép lưu trú tại Việt Nam không quá 3 tháng).
Gia đình bên nội tôi có ý định tặng tôi một mảnh đất để xây dựng căn nhà làm chỗ ở cho tiện lợi. Theo như Luật nhà ở mới được sửa đổi thì tôi có được đứng tên sở hữu nhà ở tại Viêt Nam không? Và tôi muốn biết việc tôi đứng tên trên mảnh đất đó và xây dựng nhà ở có phù hợp với pháp luật Việt Nam không?
(Ngọc Trâm – Hagen, Đức)
Trả lời:
Để làm rõ thắc mắc nêu trên của bạn, trước hết cần xác định tư cách chủ thể của bạn như sau. Hiện tại, bạn đang mang quốc tịch của Đức và định cư tại Đức, nhưng bạn vẫn chưa thôi quốc tịch Việt Nam. Theo Luật Quốc tịch 2008, bạn vẫn có quyền giữ quốc tịch Việt Nam và được xác định là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cụ thể là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật quốc tịch 2008: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài” và khoản 4 Điều 3 Luật quốc tịch 2008 quy định: “Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”).
Đối với vấn đề sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
Điều 1 Luật số 34/2009/QH12 ngày 18/06/2009 sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai (Luật sửa đổi Luật Nhà ở) quy định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a) Người có quốc tịch Việt Nam;
b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam”.
Đối với trường hợp của bạn, bạn đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Italia cấp Giấy miễn thị thực nhập cảnh có giá trị đến năm 2014, mỗi lần nhập cảnh được phép lưu trú tại Việt Nam không quá 3 tháng. Như vậy, nếu bạn được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam với thời gian đủ 3 tháng thì sẽ đáp ứng các điều kiện theo quy định nêu trên để được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bạn và các thành viên trong gia đình bạn sống tại Việt Nam.
Về quyền sử dụng đất của bạn tại Việt Nam:
Điều 2 Luật sửa đổi Luật nhà ở quy định:“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”. Điều này có nghĩa là khi bạn đã được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đồng thời bạn cũng có quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở đó. Khi đó, bạn sẽ có những quyền của người sử dụng đất như: chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư; thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam...
Như vậy, quyền sử dụng đất của bạn tại Việt Nam là quyền gắn liền và phái sinh từ quyền sở hữu nhà ở của bạn tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là bạn không được nhận tặng cho mảnh đất và đứng tên trên mảnh đất đó để xây dựng nhà ở trên đó. Trường hợp này bạn chỉ có thể nhận tặng cho ngôi nhà đã được xây dựng gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
Luật Sư Phạm Công Hải - Cộng tác viên báo điện tử Tintucvietduc.de Mobile: 0977 167 512