Hỏi:

Tôi có quốc tịch Đức, có giấy miễn thị thực, thường xuyên đi về Việt Nam. Vợ tôi có quốc tịch Việt Nam và sinh sống tại Việt Nam. Xin hỏi:
1. Vợ tôi muốn sang tên chủ quyền cho tôi một căn nhà thì có được không?
2. Nếu được thì cần làm những thủ tục gì?

(Michel Hùng – hungmichel@yahoo.....)

Trả lời:

1. Sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam:

Theo Khoản 2, Điều 1 Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 của Quốc hội ngày 03/06/2008 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (“Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12”), nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu là căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại.

Và theo Khoản 4 Điều 2; Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12, một trong các đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam. Cá nhân đó phải thỏa mãn điều kiện: đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, nếu bạn đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật nêu trên và căn nhà vợ bạn

muốn sang tên cho bạn thuộc căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người cư trú, đi lại thì bạn sẽ được đứng tên trên giấy tờ sở hữu nhà ở đó.

2. Thủ tục sang tên nhà ở:

Theo quy định pháp luật Việt Nam về nhà ở, việc chuyển quyền sở hữu căn nhà phải thông qua hợp đồng giao dịch nhà ở, hợp đồng mua bán nhà ở hoặc hợp đồng tặng cho nhà ở giữa các bên (sau đây gọi chung là “hợp đồng về nhà ở”) và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ghi nhận trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Bạn và vợ bạn phải thực hiện một trong các giao dịch nêu trên tại Phòng Công chứng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để làm căn cứ sang tên căn nhà.

Căn cứ Điều 8 Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12, sau khi có được hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng cho tặng giữa bạn và vợ đối với căn nhà, bạn phải chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở bao gồm:

  • Đơn đề nghị;
  • Bản sao các giấy tờ chứng minh tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam như đã nêu ở phần trên;
  • Bản chính hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở;
  • Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên bán, bên tặng cho theo quy định của pháp luật về nhà ở;
  • Biên lai nộp thuế, lệ phí.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được nộp tại cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở.

Lưu ý:

Tại Điều 5 Chương II Nghị định 51/2009/NĐ-CP ngày 03/06/2009 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 thì giấy tờ chứng minh bạn thuộc đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là giấy tờ chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp kèm theo hộ chiếu Việt Nam hoặc hộ khẩu thường trú và chứng minh nhân dân của vợ bạn là công dân Việt Nam.

Ngoài ra, bạn phải cung cấp thêm cho cơ quan có thẩm quyền giấy tờ chứng minh điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam như: Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an cấp và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

Nguyễn Văn Tuấn – Luật sư
Mobile: 0918 368 772
Công ty TNHH Newvision Law

 

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC