Hỏi: Tôi là Việt kiều hiện đang cư ngụ tại Đức. Tôi có ý muốn hồi hương về Việt Nam. Xin cho biết một số qui định mới về hồi hương
Trả lời:
Ngày 28/11/2005 vừa qua, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao vừa ban hành Thông tư liên tịch số 04/2005/TT-BCA-BNG, có nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 06 năm 1996 trước đây, hướng dẫn một số qui định mới về hồi hương nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có nhu cầu hồi hương. Trong Thông tư này có một số điểm mới đáng lưu ý như: làm rõ hơn về điều kiện “có quốc tịch Việt Nam” đã được qui định tại Quyết định 875 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn chi tiết việc chuẩn bị hồ sơ xin hồi hương trong từng trường hợp cụ thể… Xin lưu ý một số điểm mới trong Thông tư này:
1. Về điều kiện để được giải quyết cho hồi hương gồm 4 điều kiện: có quốc tịch Việt Nam, thái độ chính trị rõ ràng, có khả năng đảm bảo cuộc sống sau khi hồi hương, có một cơ quan hoặc thân nhân ở Việt Nam bảo lãnh.
Trong đó điều kiện “có quốc tịch Việt Nam” được chia thành hai trường hợp:
- Trường hợp thứ nhất: người xin hồi hương mang hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu Việt Nam còn giá trị do Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh Bộ Công an hoặc Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
- Trường hợp thứ hai: nếu người xin hồi hương không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị thì phải có một trong hai giấy sau: Giấy xác nhận đăng ký công dân hoặc Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam.
2. Về hồ sơ xin hồi hương, người hồi hương cần lưu ý qui định mới về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của mình và giấy tờ chứng minh người đó thuộc diện được nước ngoài cho định cư, như giấy tờ cho phép cư trú vô thời hạn hoặc cư trú vĩnh viễn hoặc thường trú (gọi chung là gấy tờ định cư). Chia làm các trường hợp:
- Trường hợp thứ nhất: người xin hồi hương mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị thì trong hồ sơ hồi hương phải nộp: bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu và bản chụp giấy tờ định cư do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
- Trường hợp thứ hai: người xin hồi hương mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị thì trong hồ sơ phải nộp kèm bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu và Bản chụp Giấy xác nhận đăng ký công dân hoặc bản chụp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
- Trường hợp thứ ba: người xin hộ chiếu không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu do Việt Nam hoặc nước ngoài cấp thì trong hồ sơ cần nộp bản chụp giấy tờ định cư do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và bản chụp Giấy xác nhận đăng ký công dân hoặc Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Bản chụp giấy tờ định cư phải do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài xác nhận về tính xác thực; bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu, Giấy xác nhận đăng ký công dân, Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam phải do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công chứng hoặc chứng thực. Nếu người xin hồi hương trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an thì không đòi hỏi nộp bản sao có công chứng, chứng thực, mà cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu với bản chụp, cán bộ đối chiếu phải ghi vào bản chụp đó "đã đối chiếu với bản chính" và ký, ghi rõ họ tên, ngày đối chiếu".
Hồ sơ xin hồi hương có thể nộp tại Cơ quan đại diện Việt Nam (như Đại sứ quán, Lãnh sự quán) - nếu nộp ở nước ngoài; ở trong nước thì nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh - Bộ Công an hoặc Sở Công an Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Việc giải quyết hồ sơ xin hồi hương được thực hiện theo trình tự như sau:
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày người xin hồi hương nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công an (Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh) sẽ thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - nếu người xin hồi hương nộp hồ sơ ở nước ngoài; trường hợp người xin hồi hương nộp hồ sơ trong nước thì ngoài việc thông báo cho các cơ quan kể trên, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh thuộc Bộ Công an sẽ phải thông báo cho thân nhân - tức người bảo lãnh của người hồi hương hoặc thông báo cho người hồi hương biết kết quả giải quyết.
Sau khi nhận được thông báo gửi bằng fax của Bộ Công an, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm gửi văn bản báo cho người nộp đơn xin hồi hương ở nước ngoài biết kết quả này. Nếu việc xin hồi hương được chấp thuận thì trong thư thông báo, Cơ quan đại diện sẽ ghi rõ thời hạn người được phép hồi hương phải đến nhận Giấy thông hành hồi hương (thông thường là 12 tháng kể từ ngày cơ quan đại diện có văn bản thông báo).
Cũng xin lưu ý rằng, nếu quá thời hạn 12 tháng - nhưng chưa quá 24 tháng mà người được hồi hương mới đến cơ quan đại diện nhận giấy thông hành hồi hương thì phải nộp thêm Tờ khai đề nghị được nhận Giấy thông hành hồi hương và hai ảnh mới chụp. Trường hợp quá 24 tháng mà người được hồi hương mới đến nhận Giấy thông hành hồi hương thì sẽ không được giải quyết mà phải làm thủ tục xin hồi hương lại từ đầu.