Hỏi: Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đức. Tôi muốn nhập tịch Đức nhưng pháp luật của nước này quy định phải thôi quốc tịch Việt Nam thì mới cho nhập tịch.
Vậy xin hỏi pháp luật Việt Nam quy định những trường hợp nào thì không được thôi quốc tịch Việt Nam? Nếu tôi không thuộc các trường hợp đó thì tôi cần phải làm thủ tục gì để thôi quốc tịch Việt Nam? Tôi không có điều kiện về Việt Nam, vậy tôi có thể thực hiện thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam tại Đức có được không? (Nguyễn Huy Tùng - Berlin, Đức)
Trả lời:
Những trường hợp không được thôi quốc tịch Việt Nam
Luật Quốc tịch năm 2008 quy định những trường hợp sau không được thôi quốc tịch Việt Nam:
1 Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;
2. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
3. Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;
4. Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;
5. Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng; hoặc việc xin thôi quốc tịch làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam;
6. Việc thôi quốc tịch làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam; và
7. Người xin thôi quốc tịch là cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam
Nếu bạn không thuộc những trường hợp trên bạn hoàn toàn có thể làm đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch Đức (Khoản 1 Điều 27 Luật Quốc tịch năm 2008).
Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam
Theo quy định tại Điều 28 Luật Quốc tịch năm 2008 thì hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam bao gồm các tài liệu sau:
-(a) Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam;
- (b) Bản khai lý lịch;
- (c) Bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch năm 2008;
- (d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ);
- (đ) Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này;
- (e) Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;
- (g) Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Theo như bạn nêu thì bạn đang thường trú ở nước ngoài, nên khi lập hồ sơ bạn không cần phải nộp các giấy tờ quy định tại các điểm (d), (e) và (g) (Khoản 2 Điều 28 Luật Quốc tịch năm 2008).
Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam
Nếu không có điều kiện trở về Việt Nam làm thủ tục xin thôi quốc tịch thì bạn có thể thực hiện thủ tục này tại Đức - nơi bạn đang sinh sống, thường trú. Theo đó, sau khi chuẩn bị xong hồ sơ bạn tiến hành nộp hồ sơ cho Đại sứ quán Việt Nam tại Đức để xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức sẽ thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh về nhân thân của người xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin thôi quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho bạn thôi quốc tịch Việt Nam.
Luật sư Phạm Công Hải
Cộng tác viên Tintucvietduc.de