Lời nói còn xuất ra từ phẩm cách và tri thức nên một người nói lời gì, nói như thế nào cũng là thể hiện ra phẩm cách, tri thức và trí tuệ của người ấy.
Một người có tu dưỡng, có tri thức sẽ không nói 3 điều sau:
1. Lời không có giá trị, không nên nói
Cổ nhân có câu: “Phu nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trung” (Không nói thì thôi, đã nói tất nói đúng). Trong cuộc sống, có rất nhiều người thường hay nói những lời mua vui, khách sáo trống rỗng, thêm mắm thêm muối, không có giá trị. Những lời nói ấy không những không đem lại điều gì tốt mà còn có thể tạo nghiệp.
Mặc Tử là nhà tư tưởng nhà chính trị gia thời Xuân Thu Chiến Quốc. Một lần, học sinh của ông là Tử Cầm hỏi ông: “Thưa thầy, nói nhiều tốt hơn hay là nói ít tốt hơn?”
Mặc Tử trầm ngâm một lát rồi trả lời:
“Lời nói quá nhiều thì có gì là tốt đâu? Ví như ếch xanh ở trong hồ nước, cả ngày lẫn đêm đều kêu gọi không ngừng khiến cho chính lưỡi và miệng của nó đều bị khô mà lại còn không có ai để ý đến và yêu thích nó.
Nhưng con gà trống thì khác, trời hửng sáng gáy gọi hai, ba tiếng thì mọi người liền thức dậy, còn cảm ơn nó. Bởi vì tiếng gọi của nó là thích hợp hữu ích. Cho nên, nói chuyện thì nên học theo gà trống, đừng nên học theo ếch xanh.”
Người không nói lời vô nghĩa thường là người có lực kiểm soát, khống chế bản thân rất mạnh. Người nói chuyện, làm việc hiểu được phải “sáng tỏ, rõ ràng” có lẽ không nhiều lắm, nhưng rất đáng giá tán thưởng. Cho nên, nói lời đừng nên nói lời vô nghĩa, nên nói vừa phải và thích hợp.
2. Lời nói phô trương, khoe khoang
Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng của họ mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển.”
Cố Ung triều nhà Hán dù được phong chức tước đã ba ngày nhưng người nhà không một ai hay biết. Trận chiến Phì Thủy lừng danh trong lịch sử, quân Đông Tấn chưa đến 10 vạn binh sĩ đã đánh bại 100 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần. Tin chiến thắng được truyền đến lúc chủ soái Tạ An đang chơi cờ vây với khách mà người khách không hề hay biết.
Triều nhà Tống, hiền thần Văn Ngạn Bác dù có công lớn trong việc xác lập ngôi kế vị cho thái tử nhưng khi thái tử lên làm vua, ông chỉ nói: “Tất cả đều là công lao của Hàn Kỳ”. Đức hạnh khiêm tốn, không nhận công lao của ông khiến Hoàng Thượng cũng kính phục.
Danh thần Tả Tông Đường cuối nhà Thanh là người nổi tiếng có bản lĩnh. Ông từng lập công thu phục Tân Cương, lập rất nhiều công trạng. Nhưng ông lại là người có tật xấu, đó là thường khoe khoang về những chiến công của mình.
Mỗi khi có người tìm đến nhờ ông về việc công hay việc tư, ông đều nói dăm ba câu khoa trương, khiến sự tình trở nên rắc rối, làm cho người hỏi không biết phải làm sao.
Tuy rằng Tả Tông Đường quả thực có công lao rất lớn, nhưng những công lao mà ông tự “thổi phồng” lên cũng có. Chính vì thế, ông cũng bị nhiều người lên án và không kính trọng.
Cổ ngữ có câu: “Thiên bất ngôn tự cao, Địa bất ngôn tự hậu” (Trời không nói tự cao, đất không nói tự dày).
Người thực sự có học thức, có trí tuệ, có hàm dưỡng, thì không cần mở miệng khoa trương bản thân, người khác cũng tự cảm nhận được.
3. Lời nói vạch trần thiếu sót của người khác
Trên thực tế, vô luận là người có nhân cách cao thượng đến mức nào đi nữa đều có thiếu sót, điểm khuyết thiếu của mình. Vô luận người có bao nhiêu khoan dung độ lượng đi nữa đều có tự ái của riêng mình. Cho nên, có trí tuệ để thấy rõ khuyết điểm của người khác, cũng nên có trí tuệ để không vạch trần ngay lập tức, và có trí tuệ để tìm thời điểm thích hợp mà nói.
Trong cuốn “Thái căn đàm” viết: “Bất trách nhân tiểu quá, bất phát nhân âm tư, bất niệm nhân cựu ác, thử tam giả khả dĩ dưỡng đức, diệc khả viễn hại!“, ý nói không trách móc sai lầm của người, không vạch trần lỗi của người, không nhớ tội của người thì có thể dưỡng đức và rời xa tai họa.
Cho nên, trong cuộc sống, đừng tùy tiện chạm đến lòng tự ái của người khác. Lời nói có thể đả thương người khác, thậm chí đẩy họ đến đường cùng. Không vạch trần thiếu sót của người khác cũng là cách lưu lại chút khẩu đức cho chính mình.