Thượng viện Đức ngày 26/3 đã ra quyết định bác bỏ đề xuất cho trẻ em được sinh ra tại nước này, có cha mẹ là người nước ngoài, được phép mang hai quốc tịch, hay còn gọi là quốc tịch kép.
Như vậy, những trẻ em này chỉ có thể mang quốc tịch Đức hoặc quốc tịch của quốc gia gốc.
Trước đó, ba tiểu bang của Đức gồm Berlin, Bremen và Brandenburg đã tìm cách đảo ngược một đạo luật vốn được ban hành năm 2000, theo đó, những trẻ em được sinh ra ở Đức là con của người nước ngoài buộc phải lựa chọn quốc tịch của mình khi bước vào tuổi 23.
Nghị sĩ phụ trách vấn đề nội vụ bang Berlin, ông Ehrhart Koerting cho rằng, việc cho phép mang hai quốc tịch sẽ khiến người nước ngoài hạnh phúc hơn khi hội nhập vào Đức.
Theo ông, đối với nhiều người, việc buộc phải lựa chọn giữa quốc tịch Đức và quốc tịch nước ngoài, khiến họ cảm thấy như phải từ bỏ một phần bản sắc và cắt đứt quan hệ với tổ tiên của mình. Không chỉ vậy, nhiều khả năng sự lựa chọn đó còn có thể dẫn đến xung đột trong gia đình.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp và Hội nhập bang Hessen, ông Joerg-Uwe Hahn lại không đồng ý với ý kiến trên, đồng thời khẳng định quốc tịch kép không có tác dụng trong việc hội nhập.
Quyết định trên của Thượng viện Đức cũng phù hợp với quan điểm của Thủ tướng Đức Angela Merkel về vấn đề hội nhập. Mới đây bà đã có phản ứng tiêu cực trước đề nghị của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc mở trường học Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức.
Những nhóm bị ảnh hưởng nhất liên quan đến quyết định này là các cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Đức mà đông đảo nhất là người Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng tác động đến cộng đồng người Việt Nam - một cộng đồng khá đông đảo tại Đức với hàng chục nghìn người./.
Theo TTXVN.