Những biện pháp cải cách liên quan đến thủ tục nhập tịch cho phép người dân có thể nộp đơn xin quốc tịch sau khi sống ở Đức trong 5 năm thay vì 8 năm như quy định trước kia.
Ước tính có khoảng 10 triệu người hiện đang sống ở Đức mà không có hộ chiếu Đức – chiếm khoảng 12% dân số.
Con cái của cha mẹ từ nước ngoài cũng sẽ được cấp quốc tịch Đức khi sinh ra nếu cha hoặc mẹ đã cư trú hợp pháp ở Đức trong 5 năm thay vì 8 năm. Bên cạnh đó, nếu người nộp đơn chứng minh được “thành tích hội nhập đặc biệt” thông qua thành tích đặc biệt tốt ở trường, nơi làm việc hoặc hoạt động dân sự, họ có thể được nhập tịch chỉ sau 3 năm.
Một khía cạnh quan trọng khác của luật mới là những người có quốc tịch Đức sẽ không phải từ bỏ quyền công dân của quê hương họ, điều mà trước đây chỉ có thể thực hiện được đối với cư dân từ các quốc gia EU khác ở Đức. Trước đây, quy định của Đức không cho phép giữ hai quốc tịch đã hạn chế đáng kể những người nhập cư trình độ cao muốn nhập tịch vào Đức. Điều này sẽ cho phép hàng chục nghìn người Thổ gốc Đức trở thành cử tri.
Tương tự như vậy, những người Đức muốn trở thành công dân của một quốc gia khác sẽ không cần sự cho phép đặc biệt từ chính quyền Đức nữa.
Dự luật này được đưa ra bởi liên minh tự do xã hội của Thủ tướng trung tả Olaf Scholz. Khối đối lập trung hữu chính đã chỉ trích dự án luật và cho rằng nó sẽ làm giảm giá trị quyền công dân Đức.
Dự luật đã được Hạ viện Đức thông qua hai tuần trước. Thủ tướng Scholz ca ngợi đạo luật này, nói rằng nó dành cho những người đã sống và làm việc ở Đức trong “hàng thập kỷ”.
Scholz nói: “Với luật công dân mới, chúng tôi muốn nói với tất cả những người thường sống và làm việc ở Đức trong nhiều thập kỷ, những người tuân thủ luật pháp của chúng tôi, những người đang ở quê nhà ở đây: Các bạn thuộc về nước Đức”.
Filiz Polat, một chuyên gia về di cư của Đảng Xanh, hoan nghênh triển vọng có hai quốc tịch và chỉ trích những ý kiến phản đối luật này là không hiểu “xã hội nhập cư hiện đại đã tồn tại từ lâu ở Đức”.
Sau khi được Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được Tổng thống ký ban hành để trở thành luật. Dự kiến, luật mới sẽ có hiệu lực sớm nhất vào giữa tháng 5.
Quỳnh Vũ, daibieunhandan.vn