Nhóm đối tượng: những người có trình độ chuyên môn phải hoàn thành các khóa đào tạo bổ sung kiến thức tại Đức để được công nhận bằng cấp chuyên môn/được phép hành nghề.
Điều kiện:
Tốt nghiệp nghề ở nước ngoài;
Văn bản thông báo kết quả công nhận bằng cấp trong đó xác định việc cần thiết phải bổ sung kiến thức;
Bằng chứng về việc tham gia các khóa đào tạo bổ sung kiến thức (lý thuyết hoặc thực hành) hoặc đã trải qua kỳ thi tại Đức;
Trường hợp cần thiết: Văn bản đồng ý của Cơ quan lao động liên bang Đức (thủ tục đồng ý trước);
Chứng minh tài chính.
Lưu trú và làm việc: Có thể lưu trú tới 18 tháng để tham gia các khóa đào tạo bổ sung kiến thức trong khuôn khổ thủ tục công nhận trình độ nghề nghiệp và đồng thời đi làm.
Quy định về thị thực:
Đề nghị Quý vị nộp những giấy tờ sau:
Hộ chiếu có giá trị, bản chính kèm theo hai bản sao không công chứng trang có thông tin nhân thân;
Hai ảnh hộ chiếu sinh trắc học (Hướng dẫn về ảnh chụp xin cấp thị thực);
Hai tờ khai xin cấp thị thực dài hạn khai đầy đủ.
Đề nghị Quý vị nộp bản gốc và hai bản photo không công chứng những giấy tờ sau.
Đề nghị Quý vị soạn những giấy tờ photo thành hai bộ hồ sơ đầy đủ. Sau khi xét duyệt xong hồ sơ của Quý vị, Quý vị sẽ nhận lại các bản gốc.
Đề nghị Quý vị nộp kèm bản dịch tất cả những giấy tờ không bằng tiếng Đức (trừ những giấy tờ bằng tiếng Anh).
Đề nghị Quý vị sắp xếp các bộ hồ sơ theo thứ tự sau đây:
1) Trường hợp nhập cảnh với thông báo công nhận một phần:
Thông báo công nhận (một phần) của cơ quan có thẩm quyền của bang, trong đó công nhận hoàn toàn trình độ nghề nghiệp hoặc nêu những điều còn thiếu về chuyên môn và xác định những khóa đào tạo bổ sung kiến thức cần thiết để bù đắp những kiến thức thiếu hụt (Việc cần thiết phải tham gia khóa học thêm hoặc thi kiểm tra kiến thức).
Quý vị có thể xem thông tin về thủ tục công nhận tại Đức tại Cổng thông tin của Chính phủ liên bang Đức về công nhận trình độ nghề nghiệp đào tạo tại nước ngoài (đường Link tới trang https://www.anerkennung-in-deutschland.de/html/de/);
Xác nhận của bên cung cấp khóa đào tạo về việc đăng ký khóa đào tạo bổ sung kiến thức hoặc đăng ký thi kiểm tra kiến thức với thông tin chi tiết về loại hình và thời gian của khóa đào tạo có liên quan đến các kiến thức thiếu hụt được xác định trong quyết định công nhận một phần.
Chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo phải thể hiện rõ ai là người sẽ hướng dẫn người nộp đơn và cách thức để đạt được mục tiêu bù đắp những kiến thức thiếu hụt được xác định trong quyết định công nhận một phần;
Bằng tốt nghiệp đại học hay tốt nghiệp nghề Việt Nam;
Bảng lý lịch tự khai;
Văn bản đồng ý trước với việc nhập cảnh của Cơ quan lao động liên bang Đức (Bundesagentur für Arbeit) theo điều 17a khoản 3 Luật Cư trú Đức.
Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị Quý vị nên có sẵn văn bản đồng ý trước của Cơ quan lao động liên bang Đức khi đến nộp hồ sơ xin cấp thị thực. Bên sử dụng lao động tại Đức có thể xin được giấy này từ cơ quan lao động có thẩm quyền. Thông tin cụ thể cho bên sử dụng lao động có trên trang web của Cơ quan lao động liên bang Đức (https://www.arbeitsagentur.de/unternehmen/arbeitskraefte/fachkraefte-ausland);
Chứng nhận có bảo hiểm y tế đầy đủ trong thời gian lưu trú, nếu các hợp đồng không nêu rõ là bên sử dụng lao động / cơ sở đào tạo sẽ đảm nhận việc đó.
(Trong một quan hệ lao động phụ thuộc thì thông thường bên sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm bắt buộc theo luật định. Nếu nộp xác nhận bảo hiểm hay hợp đồng bảo hiểm thì trong đó phải nêu rõ là bảo hiểm cho toàn bộ thời gian lưu trú làm việc tại Đức. Nếu không nêu rõ thì phải nộp thêm xác nhận của cơ quan bảo hiểm y tế về việc này.);
Chứng minh bảo đảm chi phí sinh hoạt: thông thường bằng
1. Hợp đồng lao động và mô tả vị trí làm việc cho khoảng thời gian trước khi được công nhận và
2. Hợp đồng lao động và mô tả vị trí làm việc cho khoảng thời gian sau khi được công nhận.
Trường hợp không làm việc trong thời gian tham gia khóa đào tạo bổ sung kiến thức có thể nộp thay bằng giấy xác nhận có tài khoản phong tỏa cho thời gian làm thủ tục công nhận với số tiền tối thiểu 853 Euro/1 tháng;
Chứng minh trình độ tiếng Đức, ít nhất đạt trình độ bậc B1:
Để có thể thành công trong các khóa đào tạo bổ sung kiến thức cần phải có kiến thức nhất định về tiếng Đức. Do vậy điều kiện để được nhận vào học các khóa đào tạo đó là phải có bằng chứng về trình độ tiếng Đức tối thiểu.
Để chứng minh trình độ tiếng Đức người nộp đơn cần trình chứng chỉ ngoại ngữ do một cơ sở tổ chức thi được cấp phép theo tiêu chuẩn của Hiệp hội khảo thí ngôn ngữ châu Âu (ALTE: Association of Language Testers in Europe) cấp.
Những chứng chỉ ngoại ngữ được công nhận hiện nay là:
a) Chứng chỉ ngoại ngữ của Viện Goethe e.V.
b) Chứng chỉ ngoại ngữ của telc GmbH.
c) Chứng chỉ ngoại ngữ của Áo (ÖSD).
d) Chứng chỉ “TestDaF” của Viện TestDaF e.V. (Viện Đại học Từ xa Hagen và Đại học Ruhr Bochum, chỉ kiểm tra trình độ từ bậc B2 GER).
Chứng chỉ ngoại ngữ không được cũ hơn 12 tháng tại thời điểm nộp hồ sơ.
Lưu ý quan trọng: Trong từng trường hợp có thể chúng tôi cần Quý vị nộp thêm những giấy tờ khác để ra quyết định cuối cùng về đơn xin thị thực của Quý vị.
2. Trường hợp nhập cảnh và đã được công nhận hoàn toàn:
Văn bằng công nhận của cơ quan có thẩm quyền của bang;
Văn bản đồng ý trước với việc nhập cảnh của Cơ quan lao động liên bang Đức;
Hợp đồng lao động và mô tả vị trí làm việc cho khoảng thời gian sau khi được công nhận;
Chứng nhận có bảo hiểm y tế cho khoảng thời gian tương ứng với thời hạn của thị thực, chỉ phải xuất trình nếu thị thực có thể được cấp. Phòng thị thực sẽ thông báo bằng điện thoại cho Quý vị;
Chứng minh trình độ tiếng Đức, ít nhất đạt trình độ bậc B1 (xem hướng dẫn về chứng minh trình độ tiếng Đức dành cho trường hợp được công nhận một phần tại mục 1).
Lưu ý quan trọng: Trong từng trường hợp có thể chúng tôi cần Quý vị nộp thêm những giấy tờ khác để ra quyết định cuối cùng về đơn xin thị thực của Quý vị.
Theo vietnam.diplo.de