Những khác biệt về văn hóa, cách sống và cả con người là những trăn trở theo đuổi các du học sinh lúc về nước khi các bạn đã trải nghiệm hai hay nhiều nền văn hóa khác nhau.

Những tưởng chỉ khi sang một đất nước mới, môi trường mới, các du học sinh mới bị bỡ ngỡ trong quá trình hòa nhập với những người dân bản địa hay cuộc sống nơi xứ người.

Mấy ai tưởng tượng được khi quay về nước, khá nhiều bạn trẻ cũng đối mặt với các khó khăn ở quê nhà mà nhiều người còn gọi là sốc văn hóa ngược.

Du học sinh và chuyện ‘sốc văn hóa ngược’ ngày trở về - 0

Sốc văn hóa ngược là gì?

Sốc văn hóa ngược (reverse culture shock) là tình trạng thường gặp ở du học sinh hay những người quay về quê hương đã có khoảng thời gian dài sống ở nước ngoài.

Hội chứng này được cho rằng đôi khi còn nghiêm trọng hơn cả ‘sốc văn hóa xuôi’ bởi khi đến môi trường mới thì sốc và bỡ ngỡ với những điều mới mẻ được xem là dễ hiểu cũng như lường trước được.

Còn ‘sốc văn hóa ngược’ thường ít được nhắc đến vì một số du học sinh có tâm lý chủ quan khi quay lại đất nước ‘chủ nhà’ của mình. Một số người cảm thấy e ngại khi chia sẻ bởi họ cho rằng ‘sốc văn hóa ngược’ là điều nghe khó lọt tai, dễ bị chỉ trích và hiểu nhầm là ‘sính ngoại’.

Vậy tình trạng ‘sốc văn hóa ngược’ thường diễn ra như thế nào với các cựu du học sinh đã quay về nước?

Cùng lắng nghe cuộc trò chuyện với 2 cựu du học sinh đã quay về Việt Nam.

Phương pháp đối mặt với ‘sốc văn hóa ngược’

Tùy khả năng thích nghi và vốn sống của từng cá nhân mà tình trạng ‘sốc văn hóa ngược’ kéo dài hay ngắn. Với những người đã trải qua những giai đoạn thăng trầm trong cuộc đời, họ sẽ dễ đối mặt và thích nghi hơn.

Vậy làm sao để giai đoạn ‘sốc văn hoá ngược’ được rút ngắn và dễ thở hơn?

Ngôn ngữ

Ngôn ngữ gắn liền với giao tiếp và đời sống. Ở nước ngoài lâu, bạn chắc chắn không tránh khỏi tình huống đôi khi phải bối rối cố nghĩ dịch nghĩa của một từ sang tiếng Việt thế nào cho đúng. Do đó, nhiều người phải pha trộn giữa tiếng Anh và tiếng Việt khi về nước giao tiếp.

Văn hóa và ngôn ngữ là một thứ phát triển không có điểm dừng. Bạn sẽ dễ ‘mắt chữ A, miệng chữ O’ khi bắt gặp nhiều từ lóng phát sinh từ các xu hướng giải trí hay cập nhật mới.

Liên tục trau dồi vốn từ vựng của mình. Trò chuyện với người thân, bạn bè thường xuyên. Đọc và theo dõi tin tức ở quê nhà để bắt kịp trào lưu và không bỡ ngỡ khi về nước.

Mối quan hệ

Khi về nước, bạn cảm thấy những mối quan hệ đã từng khăng khít trở nên khoảng cách, khó tìm thấy điểm chung.

Một số người còn cảm thấy lạc lõng hoặc không được đón nhận khi những câu chuyện và trải nghiệm ở nước ngoài chia sẻ ra ít được lắng nghe hay thấu hiểu.

Tuy nhiên, một sự thật bạn ít nhận ra rằng những người ở nhà bao gồm người thân và bạn bè có thể họ cũng cảm thấy xa cách với chính bạn. Bạn đã đi xa một thời gian chưa dài nhưng cũng không ngắn. Khoảng thời gian đó đủ cho nhiều sự thay đổi ở mọi người xung quanh. Thế giới luôn dịch chuyển ngay cả khi bạn không có mặt ở đó.

Hãy kiên nhẫn và mở lòng cho những sự thay đổi. Bạn thay đổi, mọi người thay đổi, những thứ thân thuộc ngày xưa cũng phải thay đổi.

Bạn và mọi người cần thời gian để chấp nhận lại con người hiện tại của nhau. Thay vì cố gắng kể thật nhiều điều mình đã trải qua trong thời gian ở nước ngoài, hãy dành thời gian lắng nghe mọi người nhiều hơn, cũng như những thay đổi trong cuộc sống của họ mà bạn đã bỏ lỡ.

Khi đã ý thức được những thay đổi của mọi người, bạn có thể dần dần chia sẻ câu chuyện ‘nơi xứ người’ của mình. Nấu những món ăn ngon mà bạn học được bên nước ngoài để chiêu đãi mọi người, chia sẻ những bộ ảnh là cách để bạn mang câu chuyện của mình đến gần với mọi người ‘ở nhà’ hơn.

Văn minh địa phương

Khi bạn đã quen với việc mọi người thường xuyên nói ‘xin lỗi/ cảm ơn’ hay việc xếp hàng, dừng xe đúng vạch quy định, cảm giác thất vọng và khó chịu sẽ dễ xảy ra khi bạn về Việt Nam.

Hòa nhập lại vào nền văn minh địa phương và cách cư xử của người dân ở đó là một thử thách.

Tuy nhiên, ‘nhập gia tùy tục’. Hãy đón nhận thử thách này bằng sự thoải mái. Đừng gay gắt với nếp sống của quê hương mình bằng sự so sánh với nếp văn minh ở nước ngoài. Nếu bạn cảm thấy không thích, hãy khéo léo loại bỏ chúng mà không chỉ trích, phàn nàn.

Dung hòa chứ đừng chối bỏ

Có vẻ như đi đâu không quan trọng bằng việc bạn đã sẵn sàng bỏ lại tất cả những định kiến hay chưa. Mỗi quốc gia đều có một bản sắc riêng, đó chính là giá trị của sự khác biệt.

Thế hệ trẻ đang phát triển và những người trẻ như bạn, tiếp thu văn minh mới, cách sống mới cũng ngày một nhiều hơn. Do đó, hãy mang những điều hay ho và tốt đẹp mà bạn tích lũy từ nước ngoài làm giàu bản sắc văn hóa quê nhà và đón nhận sự thay đổi đó từng ngày.

Nguồn: SBS Vietnamese




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC