Dòng chảy lịch sử luôn tiếp diễn với sự bất định và những gì diễn ra 30 năm trước không nhất thiết phải đặt ra một cản trở nào cho những dự định hiện tại và tương lai của mỗi quốc gia.
Cơn chấn động của thế giới
30 năm trước, bức tường Berlin sụp đổ. Với một dân tộc, đó có lẽ là niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của các gia đình được đoàn tụ sau nhiều năm chia ly, của một lãnh thổ được thống nhất và bao bọc trong nó các cư dân có chung huyết thống, văn hoá, ngôn ngữ và lịch sử.
Với thế giới, đó là một cơn chấn động. Tháng 11/1989, bức tường Berlin đổ xuống trong một chuỗi các biến cố tại Trung và Đông Âu mà ngày nay nhìn lại, đa số những người trong cuộc, từ các chính trị gia, các nhà nghiên cứu cho đến các công dân từng sống qua thời khắc đó đều thừa nhận họ không hề nghĩ rằng nó sẽ ập đến nhanh đến thế. Sự đổ vỡ của khối các nước XHCN Đông Âu 3 thập kỷ trước chính là biến cố địa chính trị lớn nhất trong nửa thế kỷ qua của nhân loại.
Sự ngạo nghễ của các giá trị phương Tây
3 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, học giả Mỹ Francis Fukuyama xuất bản một cuốn sách vẫn còn gây tranh cãi đến tận ngày nay, có tựa đề “Sự kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng”, nhận định rằng với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, mà sự sụp đổ của bức tường Berlin là biểu tượng, thế giới sẽ chứng kiến sự chiến thắng tuyệt đối của các tư tưởng tự do và dân chủ phương Tây.
Sự ngạo nghễ đó giờ đây cần phải được phán xét một cách nghiêm khắc. 30 năm sau ngày đập bỏ bức tường Berlin, nước Đức thống nhất đang là một quốc gia hùng mạnh. Rất nhiều thay đổi tích cực đã đến với phần Đông nước Đức, nhưng ngay cả với một quốc gia có các phẩm chất và nội lực mạnh mẽ như Đức, phép màu cũng không đến một cách dễ dàng, dù là sau 30 năm cố gắng.
Sau 3 thập kỷ, có chưa đến 40% số người Đông Đức cho rằng việc thống nhất là một thành công. Ở những người trên 40 tuổi, con số này chỉ đạt 20%. Nguyên nhân, như chính nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ ra trong bài phát biểu hôm kỷ niệm Ngày thống nhất nước Đức 3/10 tại Kiel, đó là vì càng ngày càng có nhiều công dân Đông Đức cảm thấy họ bị gạt sang bên lề như là những công dân hạng hai trong một nước Đức thống nhất.
Không có phép màu như ảo tưởng
Cảm giác đó bị dày vò bởi những con số thống kê. Thu nhập bình quân của dân Đông Đức ngày nay vẫn chỉ bằng 75% dân Tây Đức. Chỉ có 37 trong số 500 công ty lớn nhất nước Đức đặt trụ sở ở các bang miền Đông và trong bộ máy chính quyền liên bang, trong các tập đoàn lớn, trong các trường Đại học và cơ sở nghiên cứu danh giá, người Tây Đức chiếm thế áp đảo tuyệt đối. Mặc cảm bất công đó đang là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các tư tưởng cực đoan.
Không phải ngẫu nhiên mà giờ đây đảng cực hữu “Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức” (AfD) đang là lực lượng chính trị mạnh nhất ở nhiều thành phố Đông Đức. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà xu hướng bảo lưu các giá trị của thời kỳ Đông Đức cũ đang mạnh lên trở lại, như một cách khẳng định bản sắc riêng với phần phía Tây, dựa trên các ký ức cũ về không ít những thành tựu đã đạt được dưới thời Đông Đức, đặc biệt là các giá trị về gia đình và xã hội.
Nhìn rộng ra toàn khối Đông Âu cũ, sự háo hức vào một mô hình phát triển mới kiểu phương Tây trong nhiều năm qua đang nguội lạnh. Ở Romania, Bulgaria hay một số quốc gia Baltic, dân số có nơi giảm đến 20% so với 3 thập kỷ trước, khi người dân bỏ sang phía Tây tìm kiếm lối thoát khỏi đói nghèo, thất nghiệp và một nền quản trị lệch lạc. Sau những biến cố của 3 thập kỷ trước, đã không có phép màu nào đến một cách dễ dàng như ảo tưởng.
Thế giới và những bức tường đáng sợ hơn nhiều
Đó là bởi vì lịch sử không hề kết thúc. Sự sụp đổ của bức tường Berlin 30 năm trước là thất bại của một mô hình nhưng không phải là dấu chấm hết cho các mô hình khác. Mỗi quốc gia, dân tộc có những con đường riêng cho sự phát triển của mình, dựa trên các đặc tính dân tộc, lịch sử, văn hoá và nhận thức của quốc gia - dân tộc đó về tổng thể các điều kiện tự nhiên - chính trị mà dân tộc đó phải ứng xử. Và không có một mô hình mang tính áp đặt nào có thể đúng với một toàn thể 7 tỷ người trên trái đất, với tất sự đa dạng và phức tạp về sắc tộc, tôn giáo và quan điểm chính trị.
Quan trọng hơn, thế giới ngày nay còn đang có những bức tường, hữu hình và vô hình, đáng sợ hơn nhiều so với trước kia. Đó là bức tường ngăn cách giàu nghèo như tại Mỹ, khi sau 3 thập kỷ, gia sản của 6 gia đình giàu nhất đã tăng đến 6000% còn tài sản của 3 người giàu nhất nước này bằng 162 triệu người dân nghèo nhất của nước Mỹ cộng lại. Đó là bức tường ngăn cách nhập cư dọc biên giới Mỹ - Mexico, ở bãi biển Ceuta tại Tây Ban Nha, tại Croatia dọc “Con đường Balkan” khốn khổ. Trầm trọng hơn, đó là bức tường hận thù ngày càng lớn giữa các tôn giáo và màu da và bức tường ngăn chủ nghĩa tư bản tham lam, tận diệt các nguồn lực tự nhiên với những ai đang ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề môi trường toàn cầu.
Dòng chảy lịch sử luôn tiếp diễn với sự bất định và những gì diễn ra 30 năm trước không nhất thiết phải đặt ra một cản trở nào cho những dự định hiện tại và tương lai của mỗi quốc gia./.
Nguồn: VOV.VN