Được biết đến nhiều hơn với cái tên Mittelstand, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức thường được ca ngợi là nhóm đóng vai trò quan trọng, giống như “xương sống” của nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.
Khác với những công ty nổi đình nổi đám của Mỹ, họ là những người dẫn đầu trầm lặng ít ai biết đến.
Thường là những công ty gia đình trị đặt trụ sở ở những thị trấn nhỏ, họ chỉ thân thuộc với những doanh nghiệp thường xuyên mua các linh kiện máy móc chuyên dụng mà thôi.
“Chúng tôi không đào vàng, mà chúng tôi bán găng tay cho những người đào vàng”, Joachim Kreuzburg – lãnh đạo của công ty chuyên sản xuất dụng cụ phòng thí nghiệm Sartorius – chia sẻ.
Dẫu vậy, sự thành công của các doanh nghiệp Đức đang ngày càng được nhiều người biết đến. Nhiều quan chức và doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới háo hức muốn học tập mô hình Mittelstand, giống như làn sóng tới Nhật Bản vào những năm 1970 để học tập Toyota.
Sức mạnh của kinh tế Đức trong những năm gần đây là lý do rõ ràng nhất lý giải tại sao nhiều nước muốn học tập mô hình này đến thế. Mittelstand cũng được kỳ vọng sẽ mang đến một giải pháp giải quyết những vấn đề nhức nhối của hệ thống kinh tế tư bản, ví dụ như nỗi lo về tình trạng mọi hoạt động kinh tế chỉ tập trung vào một số công ty lớn và một vài thành phố nhỏ, hay nỗi lo về tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ.
Winfried Weber, giáo sư tại ĐH Mannheim, giải thích rằng trong thời kỳ khủng hoảng nợ châu Âu, sự kết hợp giữa các công ty có quy mô vừa với gốc gác địa phương và hệ thống đào tạo nghề chuyên nghiệp giúp Đức có tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm từ 25 tuổi trở xuống chỉ ở mức 7,8%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 22,1% ở Thụy Điển và 54% ở Tây Ban Nha.
Người lao động Đức cũng rất trung thành với công ty:
trung bình chỉ có 2,7% chuyển việc mỗi năm, so với con số 30% của các công ty Mỹ.
Để hiểu cặn kẽ tại sao Đức lại thành công đến vậy và có thể áp dụng một cách nhuần nhuyễn, cần ghi nhớ hai điều. Thứ nhất, các mô hình kinh doanh không phải là thứ đơn lẻ. Các doanh nghiệp Đức thành công còn nhờ vào sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các trường đào tạo và doanh nghiệp, giữa vốn và lao động.
Với mối quan hệ mang tính đối khác ở Hàn Quốc hay tính di động của lao động Mỹ, mô hình Mittelstand khó có thể thành công. Từ cuối thế kỷ 19, Anh đã cố gắng học tập mô hình đào tạo nghề của Đức nhưng không mấy thành công.
Điều cần ghi nhớ thứ hai là Mittelstand đang thay đổi với tốc độ chóng mặt.
Trong khi các nước khác đang cố gắng học hỏi, chính Đức cũng đang bận rộn học hỏi thế giới bên ngoài. Tập đoàn công nghiệp Freudenberg thuộc sở hữu của nhà Freudenberg đến nay đã là thế hệ thứ 8. Tuy nhiên, họ chấp nhận CEO Mohsen Sohi là 1 người gốc Mỹ có 20 năm đầu đời sinh sống ở Iran.
Các Mittelstand cũng nhận ra rằng họ phải vươn ra bên ngoài để phát triển chứ không thể chỉ hoạt động trong phạm vi thị trấn nhỏ. Để đảm bảo tính cạnh tranh, họ phải toàn cầu hóa và đem hàng hóa đến bất cứ nơi nào khách hàng có nhu cầu. Do đó ngày càng nhiều người nước ngoài xuất hiện trong các doanh nghiệp Đức.
Công ty chuyên sản xuất tai nghe và thiết bị âm thanh Sennheiser mới đây đã được chuyển giao cho một thế hệ mới gồm những con người trẻ tuổi luôn coi trọng tầm quan trọng của việc toàn cầu hóa. Họ muốn học hỏi từ “các khách hàng tân tiến” trên khắp thế giới: người Nhật đặc biệt coi trọng chất lượng âm thanh trong khi có thể học hỏi người Mỹ về yếu tố thời trang.
Rõ ràng các Mittelstand ở Đức là một minh chứng hùng hồn cho thấy bí quyết để các nhà sản xuất ở những nước phát triển tận dụng triệt để toàn cầu hóa là phải đầu tư vào nguồn nhân lực cũng như tập trung vào các sản phẩm tinh xảo.
Người quản lý tốt là người biết chọn lựa các ý tưởng từ khắp mọi nơi và kết hợp chúng một cách hoàn hảo. Đức chính là “phòng thí nghiệm” hàng đầu thế giới trong công đoạn “pha chế” này.
Thu Hương - Theo Economist