Tất cả đều là kim cương thật, hiện hữu khắp nơi, nhưng không ai có thể lấy nó đi bán.
Các nhà khoa học ước tính thị trấn Nördlingen và khu vực bao quanh chứa xấp xỉ 72.000 tấn kim cương.
Thị trấn Nördlingen bị bao phủ toàn kim cương.
Mọi công trình ở thị trấn Nördlingen thuộc bang Bayern phía nam nước Đức đều gắn hàng triệu viên kim cương siêu nhỏ, kết quả sau khi thiên thạch đâm trúng khu vực này cách đây 15 triệu năm.
Vụ va chạm tạo ra miệng hố Ries, một vùng lõm khổng lồ trải rộng hơn 14 km ngang qua vùng đồng quê, nay là nơi tọa lạc thị trấn Nördlingen.
Nó cũng tạo ra suevite, một loại đá dăm kết bao gồm nhiều mảnh vụn có cạnh sắc, có thể chứa thủy tinh, pha lê và kim cương, rất phổ biến ở những khu vực xảy ra va chạm kiểu này.
Đất đá xây nhà, đường xá trong thị trấn là hợp chất kim cương, pha lê, thủy tinh.
Khi thiên thạch va vào Trái Đất, lực tác động khiến đá gneiss lẫn graphite trong vùng hình thành nên kim cương do áp suất khổng lồ lên tới 60 gigapascal.
"Chúng tôi cho rằng thiên thạch rơi xuống là thiên thể đá nặng khoảng ba tỷ tấn. Thiên thạch này có kích thước lớn bằng cả thị trấn Nördlingen với đường kính một kilomet", Gisela Pösges, nhà địa chất học kiêm phó giám đốc Bảo tàng Ries Crater ở Nördlingen, cho biết.
Mãi tới năm 898, những người định cư đầu tiên mới bắt đầu sinh sống tại đây. Trong thời kỳ Trung Cổ, họ xây dựng tường bao bảo vệ thị trấn. Để xây mỗi công trình, thợ xây phải sử dụng vật liệu ở gần nhất mà họ có thể tìm thấy, đó là những tảng đá suevite.
"Nhà thờ St. Georgs của chúng tôi xây từ đá suevite và chứa khoảng 5.000 carat kim cương. Nhưng chúng rất nhỏ, viên lớn nhất chỉ có đường kính 0,3 mm và không có giá trị kinh tế. Chúng chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học và bạn có thể quan sát kim cương dưới kính hiển vi", Pösges nói.
Trong quá trình xây dựng thị trấn, người dân không nhận ra những khối đá họ đang khai thác để xây công trình là dấu tích của thiên thạch. Suốt nhiều thế kỷ, cư dân địa phương tin rằng vùng lõm khổng lồ là một miệng núi lửa cho đến thập niên 1960, nhà địa chất học Eugene Shoemaker chính thức xác nhận miệng hố do thiên thạch tạo thành. Sau đó một thập kỷ, các nhà khoa học mới phân tích mẫu đá và phát hiện kim cương. Họ ước tính miệng hố Ries chứa hơn 72.000 tấn kim cương.
Phương Hoa
Nguồn: VnExpress