Hàng rào hai lớp Ceuta, biên giới Maroc và Tây Ban Nha, ngày 01/01/2017. REUTERS/Jose Antonio Sempere
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 60-75 bức tường đã được xây dựng hay đang được xây dựng trên khắp các châu lục, nhất là từ sau các vụ tấn công khủng bố 11/09/2001. Chưa bao giờ thế giới lại mọc lên nhiều bức tường chia cắt các vùng miền, các nước, các châu lục đến như vậy ! Không chỉ có những bức tường bê tông, hàng rào kim loại, còn có những bức tường thông minh, hàng rào điện tử, trường thành công nghệ số …
Một cách hình ảnh, đài France 24 ngày 09/11 gọi bức tường gây chia cắt thế giới lâu năm nhất là khu phi quân sự DMZ ở vùng biên giới hai miền nam - bắc Triều Tiên. Với chiều dài 248km, bề ngang 4 km, đây là một trong những vết tích cuối cùng còn lại của thời Chiến Tranh Lạnh. Nghịch lý nằm ở chỗ cho dù mang tên là khu phi quân sự, nhưng DMZ lại là một trong những khu vực được vũ trang mạnh nhất thế giới, với nhiều đồn bốt quân sự, tháp canh, đại bác, được gài đầy mìn và có hơn 1 triệu người làm nhiệm vụ bảo vệ.
Còn mới được hoàn thành gần đây nhất, hồi đầu năm 2019, là hàng rào « công nghệ cao » dài 66 km, được trang bị hàng ngàn thiết bị cảm ứng, do Nga dựng lên để ngăn cách Ukraina với Crimée. Ở châu Á, Ấn Độ cho xây bức tường 3.200km, dài nhất thế giới, ngăn cách với Bangladesh. Nhìn sang châu Phi, có những bức tường ngăn giữa Maroc và Algéri, Nam Phi với Mozambique, Kenya và Somalia, Botswana và Zimbabwe …
Tại châu Âu, sau cuộc khủng hoảng di dân 2015, rất nhiều bức tường, hàng rào được dựng lên, điển hình là hàng rào hai lớp « thông minh » được trang bị caméra hồng ngoại, thiết bị cảm ứng dò thân nhiệt và chuyển động, ở biên giới Hungary với Serbia. Hàng rào dài 176 km, có 3.000 nhân viên canh gác. Chính phủ của thủ tướng Victor Orban còn dựng lên một « hàng rào pháp lý » cho phép nhà chức trách Hungary bác bỏ hầu như toàn bộ đơn xin tị nạn của di dân nước ngoài. Còn tại Mỹ, tổng thống Donald Trump vẫn luôn tìm cách thực hiện lời hứa xây bức tường ở biên giới với Mêhicô để ngăn làn sóng di dân bất hợp pháp từ Nam Mỹ.
Bản chất và mục tiêu đã khác
Cùng với thời gian, sự biến chuyển của xã hội hiện đại, bản chất của những « bức tường thời mới » cũng ít nhiều thay đổi. Bên cạnh những bức tường hữu hình là những bức tường vô hình, chẳng hạn « Vạn Lý Trường Thành điện tử » mà chính quyền Trung Quốc dựng lên để kiểm duyệt dân chúng.
Mục tiêu xây tường cũng có nhiều khác biệt. Vào cuối thế kỷ XX, các bức tường ở châu Âu là nhằm chia rẽ về ý thức hệ, như trường hợp bức tường Berlin ở Đức, hay vì lý do tôn giáo, chẳng hạn bức tường ngăn cách những khu phố tập trung người Thiên Chúa Giáo với khu vực sinh sống của người theo đạo Tin Lành ở Belfast, Bắc Ireland. Sang đến thế kỷ XXI, các bức tường ở châu Âu chủ yếu để chống di dân, từ Hungary cho đến Hy Lạp, Litva, Tây Ban Nha … Israel thì dựng lên bức tường mà họ gọi là « tường chống khủng bố » để đối phó với nạn tấn công Intifada từ người Palestine. Trong khi đó, các bức tường, hàng rào vì lý do tôn giáo, chính trị như ở khu phi quân sự giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên hay giữa Ấn Độ và Pakistan chỉ là cá biệt.
Bức tường chống di dân có hiệu quả ?
Về mặt truyền thông chính trị, những bức tường chống di dân là một công cụ hữu hiệu. Những nhà lãnh đạo cho dựng lên các bức tường để ngăn người nhập cư trái phép, như tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Hungary Victor Orban, đã trở thành người bảo vệ đất nước trong mắt nhiều người ủng hộ.
Thế nhưng, trên thực tế, nói về hiệu quả và khả năng làm chùn bước di dân, thì không phải lúc nào các bức tường này cũng phát huy tác dụng. Lý do không chỉ là vì chúng thường chỉ được dựng lên ở một phần biên giới, mà chủ yếu là, theo các chuyên gia di cư, dù bức tường có cao, có dày đến mấy, dù lực lượng bảo vệ dày đặc đến thế nào, với những phương tiện hiện đại, thì bằng cách này hay cách khác, những người nhập cư cũng sẽ tìm ra « khe hở » để lách qua.
Đài France Info ngày 08/11 đã dẫn lời bà Janet Napolitano, cựu cố vấn của tổng thống Mỹ Barack Obama, theo đó « nếu quý vị muốn, quý vị có thể xây bức tường cao tới 15m, nhưng rồi sẽ có người tìm ra cái thang cao 16m » để vượt qua bức tường đó.
Hàng rào Ceuta ở biên giới Tây Ban Nha và Maroc đã được dựng lên theo yêu cầu của Châu Âu để ngăn làn sóng di dân châu Phi tràn vào châu Âu theo ngả bắc Maroc cách nay 18 năm, với chi phí lên đến 30 triệu euro. Dài 8 km, cao 6m, hàng rào dây thép gai này có nhiều trạm gác, được chiếu sáng cả ngày và đêm, hai bên bức tường đều có quân đội hay cảnh sát hai nước tuần tra cẩn mật. Hàng rào lại có thêm vô vàn lưỡi dao lam sắc lẹm, nhằm rạch nát da thịt và quần áo những người liều mạng tìm cách vượt qua. Ngày nào cũng có các thanh niên Maroc, Erythréa, Sudan phải băng bó tay chân vì bị những lưỡi lam này cứa chảy máu tay chân.
Ấy vậy mà năm này qua năm khác, vẫn có nhiều người châu Phi vượt qua được hàng rào này để sang tới « vùng đất của tự do ». Trong năm 2018, có gần 5.000 người vượt rào thành công. Báo Libération cho biết vào rạng sáng 30/08/2019, lợi dụng sương mù dày đặc, tổng cộng 155 người đã vượt qua hàng rào dây thép gai đầy lưỡi dao lam sắc lẹm được canh gác cẩn mật.
Không phải bức tường nào cũng là hữu hình
Trung Quốc vốn nổi tiếng với Vạn Lý Trường Thành, một trong những công trình xây dựng đồ sộ nhất lịch sử loài người, được khởi công từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên và được xây trong suốt 2.000 năm, với tổng chiều dài gần 20.000 km. Nếu như Vạn Lý Trường Thành đa phần đã bị bỏ hoang, không được trùng tu, thì chính quyền Trung Quốc hiện nay đang tập trung vào một trường thành khác : Trường Thành điện tử, công nghệ số. Nếu như Vạn Lý Trường Thành từng được sử dụng vì mục đích quân sự hay thương mại, thì « bức tường tin học » của Trung Quốc lại nhằm kiểm duyệt dân chúng.
Hơn 800 triệu người sử dụng internet tại Trung Quốc hiện giờ bị bao quanh bởi một bức « tường lửa » khổng lồ, ngăn họ với thế giới internet rộng lớn bên ngoài. Bắc Kinh gọi đây là « một tấm khiên vàng ». Từ Trung Quốc, người dân hầu như không thể truy cập vào công cụ tìm kiếm Google, mạng xã hội Facebook, hay What's App, Skype, Telegram, cũng không thể vào các trang thông tin của phương Tây như RFI, New York Times, BBC.
Nhiều phần mềm hạn chế khả năng truy cập của người dùng internet, hàng trăm ngàn robot và cảnh sát mạng được huy động để giám sát mạng thường trực. Kết quả là ở Trung Quốc, thông tin về cuộc thảm sát Thiên An Môn không còn tồn tại, các tài liệu về Hồng Kông và Đài Loan cũng rất khó kiếm trên các trang mạng.
« Bức tường số » của Bắc Kinh không nhằm bảo vệ nước này khỏi sự xâm nhập của nước ngoài, mà chủ yếu là để giam hãm, kiềm tỏa người dân trong nước, nhất là các nhà bất đồng chính kiến, giới nhà báo, hạn chế họ tiếp xúc với bên ngoài. Và đặc biệt là để phục vụ dự án đánh giá mức độ « thành tín xã hội » thông qua « nhận diện gương mặt ». Người dân Trung Quốc đang bị vây hãm bên trong bức trường thành công nghệ số « vô hình » nhưng hữu hiệu của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Nguồn: Thùy Dương/ RFI