Các thách thức thế kỷ như đại dịch lần này là lúc để bản lĩnh- tư chất của mỗi quốc gia-con người lộ ra rõ nhất.

Một vài bang tại Đức, bắt đầu từ Baden-Würtemberg, vài ngày qua đã bắt đầu nhận các bệnh nhân từ Pháp và Italy về điều trị nhằm giảm tải cho các bệnh viện đang oằn mình chống đỡ dịch tại vùng Alsace (Pháp) và miền Bắc Italy.

Nước Đức, đến lúc này, cho thấy mình xứng đáng là chỗ dựa cho châu Âu.

Số ca dương tính SARS-CoV-2 tại Đức, đến 24/03, không ít chút nào. Gần 30 ngàn. Con số có thể khác nhau đôi chút theo các cách tính của Viện Robert Koch – RKI và Đại học John Hopkins, nhưng là số nào thì về mặt chính thức, Đức cũng là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Italy, Mỹ và Tây Ban Nha.

Nhưng số người chết vì dịch tại Đức ít nhất thế giới, xét trên tỷ lệ. Đến 24/03 là 114 người. Tỷ lệ khoảng 0,4%.

Con số này tại Tây Ban Nha là 6,2%. Tại Italy thậm chí lên đến 9%.

Có nhiều lý giải cho các số liệu, như việc Đức đã sớm thực hiện việc xét nghiệm quy mô lớn ngay từ đầu, giúp việc khoanh vùng, cách ly và điều trị thuận lợi hơn.

Hay việc Đức có đến 28 ngàn giường điều trị tăng cường, cao gấp 3-4 lần Anh, Pháp. Và vẫn đang dự tính tăng gấp đôi số này.

Hay theo Lothar Wieler, Chủ tịch RKI, nhiều khi có các yếu tố may mắn chưa biết được.

42 1 Dai Dich Covid 19 Nuoc Duc Xung Dang La Cho Dua Cho Chau Au

Hoặc cũng có thể, như Matteo Salvini bên Italy hậm hực, là Đức đang giấu dịch.

Một giải thích hợp lý hơn, là tỷ lệ tử vong tại Tây Ban Nha hay Italy thực ra không cao đến thế, do số người nhiễm thực, như chính các quan chức nước này thừa nhận, có thể cao gấp 10 lần số được công bố. Tức là Italy hiện có thể đã có khoảng 700 ngàn người có bệnh.

Nhưng có một yếu tố khác nằm ngoài con số - là con người.

Người Đức quản trị đất nước khác người Pháp, Italy hay Tây Ban Nha.

Họ không lâm vào đại dịch rồi mới cuống cuồng nhận ra là kho dự trữ 1 tỷ khẩu trang trên giấy tờ thực ra lại chỉ còn chưa đến 200 triệu cái, như Pháp.

Họ cũng không giống Tây Ban Nha để số nhân viên y tế của mình chiếm đến 14% tổng số ca nhiễm bệnh trên cả nước (5400).

Italy thì thôi, không nói nữa.

Dân Đức không phải không có lúc chế giễu dịch bệnh hiện nay.

Đầu tháng 3, trên 2/3 người Đức vẫn nói không có gì phải lo về Covid-19, nó chỉ là một loại cúm. Và cũng không phải không có lúc các cơ quan y tế Đức thờ ơ với mối đe doạ đang đến gần.

Nhưng khi cần nghiêm túc, người Đức nghiêm túc nhanh hơn.

Cuối tuần qua, cảnh sát Bavaria và Berlin viết các tweet cảm ơn người dân đã chấp hành tốt các lệnh hạn chế đi lại. Không giống cảnh sát Mỹ viết thư đề nghị tội phạm dừng phạm tội hay các quan chức Pháp lên mạng chỉ trích người dân.

Phạt quá nặng, như lên tới 25 ngàn euro tại Bayern, có thể là một lý do để buộc phải nghe lời. Nhưng điều cơ bản là ý thức công dân. Không có gì tuyệt đối, nhưng đa số người Đức hiểu và chấp hành lệnh từ chính quyền, cho đến lúc này.

Đó là mấu chốt, vì phong toả thành công hay không phụ thuộc vào việc người dân tuân thủ đến mức nào.

42 2 Dai Dich Covid 19 Nuoc Duc Xung Dang La Cho Dua Cho Chau Au

Có hai cách, bằng sức mạnh, hoặc bằng sự kêu gọi ý thức.

Một số nước châu Âu đang chần chừ và chưa quyết được phải dứt khoát đi theo hướng nào. Dùng sức mạnh thì sợ vi phạm các quyền tự do cá nhân, vừa mất đi tiếng dân chủ vừa mang tiếng làm theo Trung Quốc.

Nhưng kêu gọi ý thức công dân của mỗi người đôi khi lại giống như một canh bạc.

Gần 1 triệu người Italy và vài trăm nghìn người Tây Ban Nha đã vi phạm lệnh cấm từ khi phong toả.

Quân đội đã phải đi tuần ở Milan và Giuseppe Conte cũng vừa phải tăng mức phạt từ 400 euro lên 3000 euro.

Dân Pháp nhiều nơi vẫn túm tụm đông người trong các chợ phiên mở 2-3 lần/tuần cho đến trước khi các chợ này bị đóng cửa hoàn toàn cách đây 2 ngày.

Dân ngoại ô trong các “xóm liều” nghèo khổ được gọi là các “cité” thậm chí coi việc thách thức cảnh sát là một trò vui.

Cuối tuần trước, xe bị đập phá, đốt cháy và cảnh sát bị tấn công ở Clichy-sous-Bois, nơi bùng phát đợt bạo động ngoại ô 2005.

Tại nhiều nơi, cảnh sát Pháp thừa nhận phải nhắm mắt làm ngơ vì quá tay một chút là nổ ra bạo loạn.

Đó là một thế giới khác với cảnh Paris hay Bordeaux vắng vẻ rợn người. Một thế giới buộc phải cảm thông, nơi các khái niệm về giãn cách xã hội hay phòng dịch đôi khi không đáng sợ bằng cảnh cả gia đình, đa phần đông đúc, phải chen chúc nhau gần 24 giờ trong một căn hộ chật hẹp, xập xệ mà gần như không có gì giải trí.

Đó có lẽ cũng là sự khác nhau giữa Đức và các nước khác.

Nước Đức không có các “thế giới khác” phức tạp như miền Nam Italy hay các "cité" tại Pháp.

Mối đe doạ an ninh lớn nhất với Đức gần đây đến nhiều hơn từ các công dân da trắng phát xít có học thức, không phải từ các công dân nghèo da màu ít học bị cực đoan hoá trong các ngoại ô tại Pháp.

Thế giới có lẽ sẽ thay đổi sau Covid-19, như đã từng thay đổi sau Thế chiến II.

Chỉ không biết người Đức có kịp sửa đống xe tăng, máy bay, trực thăng đang nằm đắp chiếu vì lỡ để nam tính của mình chôn vùi quá lâu hay không?/.

Quang Dũng/VOV-Paris

 

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC