Những ngày này, cà phê và bánh ngọt thường được dùng vào dịp cuối tuần, nhất là vào các ngày Chủ Nhật khi cửa hàng đóng cửa nhưng các tiệm bánh ngọt và cà phê thì mở.
Kaffee und Kuchen (cà phê và bánh ngọt) là một nghi thức thư giãn kiểu Đức có từ hồi Thế kỷ 17
Truyền thống này tuy không còn được thực hiện một cách chỉn chu như nó vốn từng, nhưng vẫn chiếm một phần quan trọng trong phong cách ẩm thực Đức.
Cũng giống như trà chiều của người Anh, phong cách uống cà phê ăn bánh ngọt ở Đức cho mọi người cơ hội gặp gỡ bạn bè trong buổi nhấm nháp chút đồ ngon miệng giữa hai bữa ăn chính.
Ở Đức, khi làm bánh người ta rất chú trọng tới nguyên vật liệu theo mùa, theo đặc trưng vùng miền, đồng thời rất chú trọng việc sử dụng bơ, kem.
Một số các kiểu bánh kinh điển là versunkener Apfelkuchen (bánh táo), Mohnkuchen (bánh hạt anh túc), Streuselkuchen (một dạng bánh có phủ lớp vụn bánh mỳ bên trên), và Russischer Zupfkuchen (kiểu bánh kết hợp giữa bánh sô-cô-la và bánh phô-mai).
Bạn có thể tìm được bánh ngon trên khắp cả nước, nhưng điểm khởi đầu tuyệt nhất hẳn phải là Munich/ München .
Đó là bởi kể từ 2014, một công ty khởi nghiệp mang tính xã hội được biết đến với tên gọi Kuchentratsch (bánh ngọt và buôn chuyện) bắt đầu cung ứng cho các cửa hàng cà phê địa phương với những món bánh ngon nhất trong ngành: bánh do các cụ bà tự tay làm ra mỗi ngày.
Ý tưởng được người vừa tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Katharina Mayer phát triển sau khi cô nhận ra rằng cô không thể mua ở đâu được bánh ngon như bánh mà ‘Oma’ (bà) của cô làm. Cô muốn hương vị bánh ở nhà, thứ bánh thơm ngon và dễ chịu tới mức ta quên mất việc nên kiểm tra xem mức calories trong đó nhiều ít thế nào.
Thế là cô lên kế hoạch kinh doanh với nhiều ‘nguyên liệu’ khác nhau: tay nghề, nhu cầu tiêu thụ địa phương, và khả năng hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương.
Bên cạnh các loại bánh, Kuchentratsch cung cấp nguồn thu nhập bổ sung và nơi gặp gỡ thú vị cho những người đã nghỉ hưu. Dự án cổ suý cho việc giao lưu giữa các thế hệ và tạo cảm giác về một cộng đồng chung. Bột mỳ, đường và trứng chính là chất kết dính giúp mọi người gắn bó với nhau.
Một nhóm những người trẻ tuổi lo phụ trách công tác hậu cần, tiếp thị, nhân sự và kế toán, còn công việc sàng bột, trộn bột đánh trứng hoàn toàn để các thợ bánh đảm nhiệm.
“Những cuộc trò chuyện mà chúng tôi có ở đây thì rất khác với những gì bạn thường có với những người cùng độ tuổi với bạn,” giám đốc truyền thông Theresa Offenbeck nói. “Nó khiến bạn nhìn mọi thứ từ một góc khác.”
Kể từ 2014, Kuchentratsch đã cung ứng cho các tiệm cà phê ở Munich bánh ngọt do người cao tuổi địa phương làm ra
Lợi ích mà dự án này đem lại cho những người cao tuổi tham gia cũng rất rõ ràng. Offenbeck kể chuyện một người phụ nữ coi khu vực bếp như một hình thức trị liệu ra sao sau khi bà đã làm việc cả đời trong nhà máy, còn một người khác nói nó tái kết nối bà với cuộc sống và mọi người.
Toàn bộ việc làm bánh diễn ra trong một khu xưởng lớn tại quận Westend của Munich.
Nằm tại Landsberger Straße, một con phố chính không xa địa điểm tổ chức lễ hội hàng năm Oktoberfest của thành phố, không gian sáng tạo này là một ốc đảo lọt giữa những tàu điện, xe đạp, xe hơi.
Ở lối vào có một quán cà phê nhỏ, nơi khách qua đường có thể nếm thử chút bánh cùng ly cà phê hoặc ly trà. Offenbeck khuyên là bạn nên tới thăm vào các sáng thứ Hai, thứ Tư hoặc thứ Sáu, khi cả nhóm làm việc đầy đủ, là lúc bạn sẽ nghe được tiếng máy chạy, và mùi bánh vừa mới nướng, thơm ngon ngập tràn không khí.
Các thợ làm bánh có nơi làm việc riêng, và trước mỗi ca họ được trao cho một danh sách các loại bánh cần làm trong ngày, dựa theo các đơn đặt hàng gửi đến.
Họ làm bánh từ công đoạn đầu tiên cho tới lúc ra thành phẩm hoàn thiện. “Chúng tôi không muốn tạo dây chuyền sản xuất,” Offenbeck nói. “Chúng tôi muốn mỗi người đều chịu trách nhiệm về công việc và thời gian của chính mình.”
Một ca làm việc điển hình có từ năm đến sáu cụ bà, làm ra trung bình 50 chiếc bánh, Offenbeck nói. Đây quả là một con số ấn tượng, nhất là khi có một số cụ thích tự làm mọi thứ bằng phương pháp thủ công, làm bằng tay.
Bánh được làm theo công thức riêng của các cụ bà, mà nhiều công thức trong đó được trao lại từ những nội dung chép tay, có khi tờ giấy chép đã nhàu tả tơi, những quyển công thức nấu ăn mà mẹ hay bà của các cụ truyền lại.
Được khách hàng chuộng nhất hiện nay là món bánh cà-rốt của Oma Irmgard, được làm từ lượng lớn cà-rốt tươi nạo (hàng đống cà-rốt nạo được để trong khu bếp), phết kem đường pho-ma loại hảo hạng mà bạn có thể chưa từng được nếm qua.
“Chúng tôi làm nó thường xuyên tới mức tôi thực sự là không thể ăn nổi món này nữa,” Oma Irmgard nói đùa. “Tôi thích một lát bánh trứng anh đào chua hơn.”
Ta dễ dàng thấy là Oma rất chuyên nghiệp: tổ chức các khoá dạy nấu ăn từ nhiều năm, bà làm rất nhanh và tự tin, cùng lúc không quên để mắt bao quát toàn bộ khu bếp.
Một loại bánh rất được ưa chuộng khác là món Marmorkuchen (bánh vân cẩm thạch) của Oma Milena.
Món bánh sống mãi với thời gian này của Đức được làm từ các lớp chololate và hỗn hợp bánh bông lan vị vanilla bỏ vào hộp Kugelhopf tròn rồi đem nướng. Để tạo được những lớp vân không phải là chuyện đơn giản, và các thợ bánh Kuchentratsch có những kỹ thuật và các bí kíp đa dạng để tạo được các sóng vân chuẩn.
Bánh cà-rốt của Oma Irmgard rất được khách hàng của Kuchentratsch ưa thích
Sau khi bánh nguội, được trang trí và đóng gói xong, các gói hàng thơm ngọt được giao cho các cửa hàng cà phê, văn phòng và các sự kiện. Nhiều người trong số những người giao hàng cũng là các cư dân địa phương đã nghỉ hưu.
Cao tuổi nhất là Opa Richard (tại Kuchentratsch, mọi người đều được gọi là Oma, tức là bà, hoặc Opa, tức là ông), 87 tuổi.
“Opa Richard thích tới sớm, trước khi đến ca làm việc của ông ấy,” Offenbeck nói. “Như vậy, ông có thể ăn miếng bánh và trò chuyện chút ít trước khi lên đường. Chúng tôi nghe tiếng nhạc phát ra từ xe hơi của ông ấy là biết được ông ấy đang tới.”
Trong danh sách các địa chỉ cần giao hàng của Opa Richard có một số quán cà phê là khách hàng thân quen. Có villa xây theo phong cách baroque đã được phục chế Bamberger Haus ở Schawbing, và Café Mon ở Bogenhausen. Một quán nữa là Monaco Café nằm trong một khu mua sắm tổng hợp lớn ở góc quảng trường Marienplatz. Nhìn ra được quảng trường trung tâm thành phố, Monaco Café là một địa điểm tuyệt vời để bạn nạp thêm năng lượng và ngồi ngắm người tụ tập ở trước toà thị chính nổi tiếng nằm bên dưới.
Một địa chỉ rất đáng chú ý là Café Schreibwaren am Schloss. Nằm tại một toà nhà lịch sử đã được phục chế gần với Nymphenburg Palace, nơi này tiếp tục chủ để mang tính thế hệ: quán cà phê nhỏ này là một cửa hàng Schreibwaren (văn phòng phẩm) được sửa chữa lại, vốn thuộc ông và cụ cố của những người đang quản lý quán. Bạn hãy để ý tìm một toà nhà màu vàng với những cánh cửa chớp màu xanh, trắng.
Opa Richard không phải là cụ ông duy nhất tham gia vào Kuchentratsch. Có hai cụ nữa làm công việc giao hàng, và vài người khác nữa chuyển sang làm bánh.
Sau khi vợ qua đời, Opa Günter quyết định tự học nấu ăn để ông có thể tiếp tục nấu các món ăn truyền thống của gia đình cho các cháu mình. Bánh rhubarb và bánh dừa ông làm nay đang rất hút khách. “Tôi từng chỉ biết ăn bánh, nay thì tôi làm cả bánh nữa!” ông nói, nghiêng nghiêng cái đầu có đội mũ đầu bếp Kuchentratsch lên phía trước.
Cũng giống như Opa Günter, Kunchentratsch muốn duy trì các công thức nấu ăn cổ. Để các kiến thức, các kỹ năng cũ không bị thất truyền, nhóm dự án đã in hai quyển công thức nấu ăn và ghi chép lại mọi công thức mà họ sử dụng, nhằm giữ lại chúng cho các thế hệ sau.
Với hơn 30 công dân cao tuổi hiện đang tham gia dự án và cho ra thị trường các loại bánh rất được ưa chuộng, hoạt động kinh doanh của họ hầu như chắc chắn sẽ trên đà phát triển.
Nguồn: BBC.com