Cho tới bây giờ tôi vẫn không biết tại sao tên chợ này lại gọi là chợ Bọ Nhảy, hay là vì nó luôn được luân chuyển từ điểm này sang điểm khác trong địa phương ấy.
Mùa hè thì hầu như chủ nhật nào cũng có, còn mùa đông rét mướt khoảng một tháng thì có một phiên chợ Flohmarkt.
Từ năm giờ sáng chợ đã lục tục bởi những người bán hàng chuyên nghiệp.
Đó đây vài người Ấn Độ, Pakistan và cả người Việt hì hụi căng ô, kéo giá treo quần áo hoặc bầy đồ tặng phẩm, đồ hàng xén.
Nhưng chợ chỉ thực sự bắt đầu khi những người không chuyên, những người mang bày ra bán đồ cũ và cả đồ mới, bất kể thứ gì nhà không dùng đến nữa.
Trong khi những bà già lo xa đế sớm kiếm chỗ tốt đang rờ rẫm bày vài cái ly vang cũ, những phụ nữ trẻ săm sắn bê từng thùng các tông quần áo, giày dép từ trên xe xuống thì những người mua đến sớm nhất, những người sưu tầm đồ cổ hy vọng gặp may bất ngờ đã lượn quanh chào hỏi và chờ đợi.
Rồi đến những người mua đi bán lại (phiên nào cũng có vài ông này, họ không mang gì ra chợ mà cứ vác túi đi nhặt nhạnh ở các hàng khác rồi kiếm chỗ bày ra bán).
Tấm gương cổ, bức sơn dầu, vài đôi giày cũ, chiếc đồng hồ quả lắc, vài món nữ trang, vài quyển sách, dăm chiếc CD.
Ngần ấy thứ bày trên một diện tích khoảng 2 mét vuông đã đủ làm nên một gian hàng nho nhỏ.
Bởi vì lát nữa sẽ có người đến thu tiền chỗ thành thử ai cũng co kéo sao cho diện tích vừa đủ thì thôi.
Khoảng 8 giờ, trời hửng nắng dần.
Đây đó bốc lên vài làn khói mỏng mơ hồ rồi mùi thơm của Wurst (giò nhỏ làm từ thịt lợn, thịt bò hoặc thịt ngựa) nướng len lỏi vào làn hương sớm mai tinh khôi, ẩm ướt.
Chợ tấp nập dần bởi những ông bố sau giấc ngủ đẫy mắt ngày nghỉ, bắt đầu chở gia đình đến.
Những đứa trẻ ngồi ngay đưới đất bày lên mảnh nilon nhỏ những gì chúng có.
Một thằng bé 11-12 tuổi vừa ngáp vặt vừa để mắt canh chừng mấy cuộn băng video, vài trò chơi game, cái máy cassete cũ, cái mũ bảo hiểm xe đạp.
Nó những muốn chạy đến hết các cửa hàng khác xem có món gì bở không, nhưng không thể được.
Trước hết phải chờ xem có bán được gì không đã.
Hai chị em cô bé gần đấy đang cẩn thận đặt mấy con búp bê ngồi cho khéo.
Những chiếc áo len cũ, những quyển truyện tranh, chiếc dù cũ đều được dính những mảnh giấy nhỏ mà chắc hẳn tối qua chúng đã thức rất khuya để nắn nót viết giá hàng lên đó.
Phía bên ngoài nữa là một cô gái tóc vàng ngồi sau chiếc bàn bày la liệt những quạt máy, bàn là, gạt tàn, gương lược.
Một mảnh bìa được đặt giữa bàn với giòng chữ ngay ngắn "Tôi tìm việc làm".
Bên cạnh đó hai vợ chồng trẻ tìm chọn trong đống quần áo trẻ con toàn hàng hiệu Diesel, Levis được giặt là sạch sẽ:
- Xin lỗi ! Chiếc quần này số mấy ạ?
- Đây là quần của con trai tôi hồi 5 tuổi. Bây giờ đã quá chật với nó rồi.
Sau vài câu trả giá, xong! Người phụ nữ bán hàng nhặt ra thêm mấy chiếc áo, tươi cười:
- Ngài cầm lấy, tặng ngài. Bây giờ thì rộng, nhưng sang năm con ngài sẽ mặc vừa. Trẻ con lớn nhanh lắm!
Cứ như thế, chợ ồn ào và náo nhiệt.
Những người bán xong sớm đã trở thành người mua.
Bán đồ thừa, mua đồ thiếu, hay đơn giản là đồ mình thích.
Bởi như người ta nói, đến 80% đồ người tiêu dùng mua sắm không phải vì cần thiết mà vì ý thích để một lúc nào đó lại được dọn vào trong kho chờ ngày vòng ra Flohmarkt.
Tầm trưa, nếu đói bụng, bạn có thể ăn chút khoai tây rán hoặc một mẩu bánh mỳ với Wurst chấm mù tạt.
Bao giờ cũng có vài quán ăn lưu động với vòng người vây quanh uống bia, cười nói tưng bừng...
Bọn trẻ thì không.
Chúng đã thủ sẵn bánh và nước mang từ nhà. Bởi số thu nhập ít ỏi của quầy hàng sẽ được chúng ưu tiên cho những thứ đồ chơi khác.
Chiều đến, khoảng 4 giờ là lúc chợ tàn. Những gì còn lại được mời cho không.
Chẳng ai muốn tha về những thứ mình không cần, những thứ mình đã chán cả.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có lần đi chợ.
Đã là chợ thì tất nhiên là để mua và để bán, nhưng tôi cứ thấy Flohmarkt có một chút gì hơn thế.
Nó như phảng phất không khí hội hè, lại có chút tình tương thân tương ái.
Chẳng có lẽ chỉ vì vài chục Euro mà vợ chồng phải dậy sớm để dựng lều, kê dọn, ngồi suốt một ngày trời trong khi lương trung bình ở Đức khoảng từ 50 đến 70 EURO một ngày.
Hay là vì người ta không muốn vứt những vật dụng thừa đi một cách lãng phí, mà cho thì chả biết cho ai.
Chẳng có lẽ vì vài EURO mà những đứa trẻ ngồi lỳ ngoài gió tuyết lạnh cóng đến chảy cả nước mắt, nước mũi.
Phải chăng ý thức tự lập, muốn kiếm được đồng tiền từ chính tự tay mình đã sớm nhen nhúm trong lòng chúng.
Tác giả: Nhạc Sĩ Mai Lâm
Việt kiều Đức, trích trong tập "Từ xa Hà Nội" - 2014