Thi ca của Friedrich Hoelderlin chạm đỉnh thần linh ngôn ngữ Đức, trong đó triết lý và văn chương hoà quyện thành nhất thể toàn bích.
Friedrich Hoelderlin (1770 - 1843) là một trong những thi hào lớn nhất của nước Đức, và có thể nói, của thế giới. Thi ca của ông chạm đỉnh thần linh ngôn ngữ Đức, trong đó triết lý và văn chương hoà quyện thành nhất thể toàn bích.
Từ thi ca của Hoelderlin, Heidegger khải ngộ triết lý thi ca, trong đó ngôn ngữ là "căn nhà của thể tính", của hiện hũu không những cho đời người 100 năm mà trải dài bằng chuyến đi luân hồi bất tận của nhân loại. Ngôn từ trong thơ ông chảy ra từ sức mạnh sáng tạo của thần linh nhập thể con người.
Thật khó để chuyển tải lời thơ của ông, một thứ ngôn thi đã được khải nghiệm bằng tất cả cung bực cảm xúc và trí tuệ của tâm hồn Đức. Vẻ đẹp của ngôn thi như trong câu thơ:
Traurigfroh, wie das Herz, wenn es, sich selbst zu schön,
Liebend unterzugehen,
In die Fluten der Zeit sich wirft.
Mừng vui buồn bã, khi con tim, bừng yêu chính mình, quá đẹp
Để trầm thân
Tự buông mình vào thuỷ triều thời gian.
(F. Hoelderlin, Bài thơ Heidelberg)
... có thể làm người trong cuộc chữ kinh ngạc sửng sốt và người ngoài cuộc lúng túng bối rối khi chuyển dịch nét thần của thi từ tiếng Đức, tưởng khó có lần xảy ra, nhưng đã xảy ra như một trào dâng tao ngộ của trời đất với con người. Nếu chân lý là điều xảy ra đồng thời và đòng điệu với ngôn ngữ, thì thi ca của Hoelderlin đã trao cho ta chân lý ấy: niềm vui vạn vật khua động thành lời, ngợi ca thiên nhiên và con người trong nỗi "vui buồn" quấn quýt cùng nhau.
Về bài thơ Heidelberg
Có nhiều thành phố là đối tượng của thơ, nhưng có lẽ không có bài thơ nào về một thành phố được gìn giữ trân trọng như châu bảo như bài thơ "Heidelberg" của Hoelderlin. Bài thơ đã trở nên dấu ấn không những cho lịch sử thành phố mà còn cho cả nền văn chương Đức.
Lần đầu tiên trong đời, Hoelderlin đến thành phố này lúc 18 tuổi. Lập tức Heidelberg đã gây ấn tượng cho chàng thanh niên có quê mẹ (Lauffen) cùng nằm trên dòng sông Neckar. Những mô típ trong bài thơ được sáng tác về sau (mùa hè năm 1800) đã được ghi trong đoạn nhật ký du hành viết cho mẹ của ông: "Từ Schwetzingen đến Heidelberg chúng con đã mất 3 tiếng đường đi thẳng một mạch - và hai bên đường có những cây dâu già tựa như cây sồi. Khoảng trưa chúng con đến Heidelberg. Thành phố làm con thích ngay. Vị trí đẹp như ta có thể tưởng tượng nổi. Hai bên và sau lưng thành phố là những ngọn núi vươn cao. Trên núi sừng sửng toà lâu đài cổ kính. Con cũng trèo lên đó và làm một cuộc hành hương đến cái vựa Heildelberg nổi tiếng, biểu tượng cho những người nhậu bia, lời hay (bonmot) cho nhiều bài ca uống rượi. Cái vựa thật là lớn đến nỗi có thể đứng trên ấy nhảy múa thoải mái. Trên đó có những khung ngăn nên người ta có thể đi trên ấy mà không nguy hiểm. Nhừng con có thể cam đoan, là nếu rơi từ độ cao của nó thì cũng khó chịu không kém như khi rơi từ cử sổ tu viện của con. Đáng chú ý là chiếc cầu ở nơi ấy".
Về sau Hoelderlin nhiều lần có dịp trở lại Heidelberg. Cảm giác thân thuộc như quê hương đối với thành phố này một phần đến từ vị trí của nó trên dòng Neckar. Các thành phố từ Lauffen nơi sinh của nhà thơ cho đến Tuebingen, của thời sinh viên, Nuertingen của thời thơ ấu, nơi cư ngụ của mẹ ông và chỗ ẩn náu của nhà thơ, cũng như Heidelberg mà ông đã đi qua và dừng lại, đều nằm trên dòng sông ấy. Và chính dòng sông ấy, khi chảy qua Heidelberg đã mang chất thơ lãng mạn vào đoản thi bất hủ của Hoelderlin:
Dòng Neckar của em lượn quanh những thành phố ẩn mình,
Nơi khu rừng đã dạy cho ta nguồn phóng khoáng
Nơi Apollo đã gieo hồn cho tôi
bằng những tia sáng của ngày tháng năm
Nhưng, chín muồi và kiêu hãnh hơn, dòng sông đã mơn man những cánh đồng cho em
Và những con tàu nghiêm trang hơn đang quen thân với
những bông lơn sóng nước rộn ràng...
Đoạn 2 và 3 trên đây trong bài thơ gốc về Heidelberg không còn trong đoản thi chính thức. Nhưng dòng sông, vẫn mê mãi trong thơ, đã tạo nên điều còn lại trong miên viễn phù du, vô thường. Thơ trở nên câu chuyện của dòng sông chảy qua phố phường, tác phẩm con người, lịch sử thời đại, nghệ thuật và thiên nhiên: Heidelberg của Hoelderlin.
Đoản thi dành cho Heidelberg
Đã từ lâu tôi yêu em, đã muốn, theo lòng,
Gọi em là Mẹ và tặng em một bài ca không chải chuốt
Em, mỹ nhân nước non đệ nhất
Trong những thành phố quê cha, như ta từng nhìn qua
Tựa chim rừng bay qua đỉnh
Chiếc cầu nhẹ hửng mà mạnh mẽ
Cất mình băng qua sông, nơi khúc sông chảy sáng ngời vì em ,
Vang vang tiếng xe tiếng người
Như từ những thần linh phái đến, một tay ảo thuật đã buộc chặc tôi thuở ấy
Trên cầu, lúc tôi đi qua
Rồi vào sâu trong núi
Dặm xa quyến rũ hiện ra
Và chàng trai trẻ,- dòng sông-, kéo phăng đến đồng bằng
Mừng vui buồn bã, khi con tim, bừng yêu chính mình,
Quá đẹp
Để trầm thân
Tự buông mình vào thuỷ triều thời gian.
Em đã
Cho sông những suối nguồn, cho dòng phù du
Những bóng mát, và cả thành quách nhìn theo
Sông mêng mông, và sông lay động
Bóng hình yêu kiều trên những sóng dồn
Nhưng rồi, nặng nhọc treo mình vào thung lũng
Toà lâu đài, đồ sộ, đầy định mệnh, bám đất cho đến tận nền,
Rách nát vì nắng mưa
May sao mặt trời vĩnh cữu đã tưới
Ánh sáng hồi dương trên
Bức hình vĩ đại đang hoá cổ, và đó đây bừng xanh
Giải trường xuân đằng leo quanh; những khu rừng thân thương
Xôn xao tràn từ lâu đài xuống phố.
Những lùm cây nở hoa rũ xuống thị thành, cho đến nơi nao
Trong thung lũng hân hoan
Tựa vào đồi hay bên bờ duyên dáng
Những con đường nhỏ tươi vui em
Nằm im dưới những khu vườn ngát hương.
Friedrich Hölderlin Heidelberg
Lange lieb ich dich schon, möchte dich, mir zur Lust,
Mutter nennen und dir schenken ein kunstlos Lied,
Du, der Vaterlandsstädte
Ländlichschönste, so viel ich sah.
Wie der Vogel des Waldes über die Gipfel fliegt,
Schwingt sich über den Strom, wo er vorbei dir glänzt,
Leicht und kräftig die Brücke,
Die von Wagen und Menschen tönt.
Wie von Göttern gesandt, fesselt' ein Zauber einst
Auf die Brücke mich an, da ich vorüber ging
Und herein in die Berge
Mir die reizende Ferne schien
Und der Jüngling, der Strom, fort in die Ebne zog,
Traurigfroh, wie das Herz, wenn es, sich selbst zu schön,
Liebend unterzugehen,
In die Fluten der Zeit sich wirft.
Quellen hattest du ihm, hattest dem Flüchtigen
Kühle Schatten geschenkt, und die Gestade sahn
All' ihm nach, und es bebte
Aus den Wellen ihr lieblich Bild.
Aber schwer in das Tal hing die gigantische,
Schicksalskundige Burg nieder bis auf den Grund,
Von den Wettern zerrissen;
Doch die ewige Sonne goß
Ihr verjüngendes Licht über das alternde
Riesenbild, und umher grünte lebendiger
Efeu; freundliche Wälder
Rauschten über die Burg herab.
Sträuche blühten herab, bis wo im heitern Tal,
an den Hügel gelehnt oder dem Ufer hold,
Deine fröhlichen Gassen
Unter duftenden Gärten ruhn.
TH.